Ẩm thực

Rau đắng đất – chứa chan ký ức, ngọt ngào tình quê

Trích đoạn trường ca rau đắng đất:

Ai buộc đời mình vì một cọng rau

Ai khôn lớn qua cầu đi hút bóng

Nhìn quãng đồng xa một làn khói trắng

Cũng bâng khuâng nhớ lắm quê mình

Bỗng nghe thèm rau đắng nấu canh!

Biết tìm nơi đâu khung trời kỷ niệm?

Những chiều hoàng hôn tím

Những buổi dầm mưa đi học lạnh run!

Những buổi mưa dầm

Cha giắt đụt mướp trên lưng

Bắt con cá đồng ngược nước

Bên chái hè mưa tạt

Mẹ hái từng cọng rau đắng đất nấu canh.

Để nỗi nhớ vây quanh

Tóc trên đầu đã bạc

Chân giang hồ bỗng dưng chùn bước

Nghe giữa hồn rau đắng đất mọc xanh!

Bữa nay Sài Gòn mưa, nhớ nhà, lục lại hình nhà mình coi đỡ nhớ. Lướt tới mớ hình cháo cá rau đắng đất hồi ở quê mẹ nấu, tiện tay bật luôn bài Còn thương rau đắng mọc sau hè lên nghe… rồi nhớ đủ thứ…! Thức rau cá đồng quê là thứ xa xỉ nhất bây giờ với người ở Sài Gòn – thì cháo cá lóc rau đắng giờ khó tìm đâu được.

Hôm nay Hương Sắc Miền Tây xin chia sẻ đến bạn đọc về loài rau đắng đất thân thương.

Rau đắng đất là rau gì? Có mấy loại rau đắng?

Rau đắng đất là một loại rau mọc hoang dại mà gắn liền với đời sống người dân miền Tây Nam Bộ từ xưa. Rau đắng đất xuất hiện trong thơ ca, văn học, chứa chan trong từng ký ức người dân Nam Bộ đặc biệt là thế hệ ông bà tía má.

Rau đắng đất hiền hòa, dễ chịu như chính những người nông dân miền Nam Bộ, Nam Trung Bộ. Cây rất dễ sống, do khả năng phân nhánh khỏe nên thường mọc thành đám ở ruộng trồng ngô, khoai, sắn, ở bãi sông, nương rẫy và thậm chí ở ven đường đi, mọc núp trong những bụi cây kiểng trước sân nhà.

Rau đắng được biết đến với 2 loại: rau đắng đất và rau đắng biển:

  • Rau đắng đất: là cây thân thảo mọc bò trên mặt đất. Thân và cành sẽ mọc tỏa ra xung quanh và bò sát mặt đất. Thân cây nhỏ và có nhiều đốt, lá cây mọc so le. Phiến lá thon và dài. Rau đắng đất cũng chính là loại rau đắng trong thơ ca Nam Bộ được lưu truyền đến ngày nay.
Rau đắng đất miền Tây
  • Rau đắng biển: Có thân, lá và hoa mọng nước hơn loại rau đắng đất. Lá cây bầu tròn ở đầu. Hoa màu trắng có 5 cánh. Rau đắng biển có hình dáng như rau sam.
Rau đắng biển

Rau đắng đất hiếm hơn rau đắng biển vì vậy ta ít khi thấy rau đắng đất trong các quán ăn, nhà hàng. Muốn ăn chuẩn rau đắng đất miền Tây phải có đúng dịp về miền Tây được gia chủ miệt vườn chiêu đãi như một loài rau đồng quý.

Món ăn từ rau đắng đất

Người ta hay nhắc tên rau đắng với món cháo cá lóc rau đắng, rồi món “cháo cá lóc rau đắng” ấy trở thành đặc sản miền Tây tự khi nào chẳng biết.

Rau đắng tự mọc, tự lớn lên tươi tốt sau hè nhà. Nhất là sau mỗi trận sa mưa, rau đắng nhổ giò thiệt nhanh, xanh non mơn mởn. Đám con nít được bà, được mẹ sai xách rổ đi hái rau đắng dìa nấu cháo cá lóc ăn cho ấm bụng sau mưa. 

“Trời mưa nướᴄ ngập ruộng sâu

Cá đồng tụ hội rủ nhau nhảy hầm

Mưa là mưa lũ mưa dầm

Hẹn mùa, rau đắng mọᴄ quanh thềm nhà…”

Miền Tây là vậy cá đồng hội rủ –  mênh mông rau trái mọc đồng. Bởi vậy mà người nông dân không quên kết hợp chúng lại thành những món ăn ngon.

Cháo cá lóc rau đắng

Ngoài nấu cháo cá đồng rau đắng, món rau đắng còn được dùng kèm nhiều món ăn ngon khác từ rau đắng sống chấm mắm kho, đến rau đắng luộc chấm mắm đồng, hoặc rau đắng nấu canh cá rô mề, hay lẩu mắm nhúng rau đắng. 

Gọi là rau đắng, mới ăn thì đắng, ăn quen sẽ thấy ngon ngọt không thể nào quên. Rau dân dã như phong cách người miền Tây vậy. Hôm nào trời nóng dọn cơm ra mà có tô canh rau đắng đất thì chỉ nhìn thôi đã thấy mát trong dạ rồi. Khi mới ăn thấy hơi đăng đắng, nhưng nuốt rau khỏi cổ họng sẽ đọng lại vị ngọt trên đầu lưỡi…

Rồi nhớ hoài hương vị rau đắng đất miền quê như lời ca vang vọng:

 “Nhớ lũy tre xanh dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh”.

Rau đắng đất trong ký ức người miền Tây

Người ta thèm nhớ rau đắng đất nhất khi nghe bài hát “Còn thương rau đắng mọc sau hè” của nhạc sĩ Bắc Sơn. Bởi bài hát đi vào lòng người từ ca từ lẫn nhịp điệu. 

Ai biết mẹ buồn vui khi mẹ kêu cậu tới gần

Biểu cậu ngồi mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau…

Người em ấy, sau bao nhiêu năm phiêu bạt giang hồ, may còn được về lại quê nhà ngồi với chị mình, để chị nhổ “tóc sâu”:

Đôi mắt cậu buồn hiu phiêu lưu

Rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miểng dùa…

“Chừa ba vá miểng dùa” hay “miểng vùa”, là ba chỏm tóc trẻ con hồi xưa cha mẹ để cho, ngày ấy xưa thật là xưa, và xa lăng lắc. Vậy mà lòng đứa em chỉ muốn, sau này hai năm mươi, được… làm mây:

Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ

Ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương…

Nghe tới đây những người xa quê đã lâu có khi bật khóc thật. Trong đời ai chẳng có một quê hương. Một mai khi về đất, mình chỉ mong được làm mây bay khắp chốn giang hồ, ghé quê nhà bao thương thiết, vậy thôi.

Cùng là một bài hát nhưng qua từng thời điểm là từng cảm nhận khác nhau. Hồi còn tuổi thiếu thời mới lớn, cũng nghe hoài bài ca ấy bằng cái “ra dô” cũ kỹ mà ông nội, mà “tía má” mình hay nghe vào mỗi buổi trưa. Cũng thuộc lòng, cũng hát theo nhưng chẳng hiểu gì niềm thương nỗi nhớ trong bài ca. Có lẽ, khi ấy mình còn trẻ, và chưa thấu được tình cảm của hai chị em “tóc bạc như nhau” khi họ ngồi gần nhau. Tình cảm ấy, không phải ai cũng có, ai cũng cảm được ngay.

Nhưng thời gian cho chúng ta những cảm xúc mà ngày trẻ tuổi chúng ta chưa có được. Nghệ thuật kiên trì với chúng ta là như thế, cứ dần dần rồi ta mới cảm được, phải trải đời tới độ nào rồi mới nhận được. Cũng như món cá đồng nấu canh rau đắng đất, phải tới mức gắn bó với quê nhà thế nào, mới thực sự thấy nó ngon. Nó ngon từ ký ức, ngon từ cảm xúc, và ngon từ những tháng năm mình xa cách nó.

Tôi lên Sài Gòn sinh sống và lập nghiệp nhiều năm, những ngày Sài Gòn mưa, ngay mùa giãn cách vì Covid 19, tôi nhớ nhà, lục lại hình nhà mình coi đỡ nhớ. Lướt tới mớ hình cháo cá rau đắng đất hồi ở quê mẹ nấu, tiện tay bật luôn bài Còn thương rau đắng mọc sau hè lên nghe… rồi nhớ đủ thứ…! Thức rau cá đồng quê là thứ xa xỉ nhất bây giờ với người ở Sài Gòn – thì cháo cá lóc rau đắng giờ khó tìm đâu được.

Gọi điện về nói với mẹ: Chừng nào tụi Covid bị đánh bay màu, con dìa, nhà mình ăn cháo cá lóc rau đắng bù à nghe.

Phan Thùy Linh 

Nghe bài hát: Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè:

Mời bạn theo dõi Fanpage: Hương Sắc Miền Tây

XEM THÊM: