Con người

Hồi nhỏ “dăng lưới” được cá rô mề Ông Nội toàn để dành tôi!

Tôi nhớ mùa mưa năm ấy, chắc chừng 12 13 tuổi. Cái thời mỗi lần nghe phải gỡ lưới, mần cá là làm biếng phụng phịu ra. Ông nội mặc mỗi cái áo mưa mỏng tênh, cái áo mưa tự chế bằng mấy tấm nilon trong bao đựng gạo. Mùa mưa nhiều cá lắm, ông tranh thủ dầm mưa đi thả lưới. Trước khi đi, ông lấy chén nước mắm uống ực một hơi. Tôi còn nhỏ, chỉ biết hỏi ổng mặn vậy sao uống nổi, mà uống làm gì, ổng nói uống vậy mới đi mưa nổi vì lạnh. Tôi nghe rồi thôi hổng hiểu gì… Rồi vô tư chờ cá lưới về.

Sau này lớn lên tôi mới biết, trời lạnh độ mặn của nước mắm là cách giúp vượt qua cơn lạnh rét. Đó cũng là cách làm của các ngư dân.

Rồi qua bao nhiêu mùa như thế, đến nay, lâu rồi, đứa cháu gái nhỏ của ông đâu còn được sai “Linh đem cá qua nhà bác ba bác tám bán”… Mấy anh em đâu còn được ông đem cả tai lưới nặng trịch, toàn là cá về bắt gỡ, không được đi chơi.

Vì thời gian thấm thoát trôi, ông già nhanh đến giật mình…

Hồi còn khỏe, Ổng hát vọng cổ hay dữ lắm. Còn nhiều tài lẻ khéo tay. Ngày trước ông làm thợ hớt tóc, ông nội cắt tóc cho tôi suốt đến hết những năm cấp 1. Hồi đi học ông đóng bàn học cho tôi bằng gỗ cây tự xẻ. Ổng đóng cái ghế, cái bàn đẹp mà khéo như thợ, còn làm cái thớt, hay đóng cán dao gọn ơ…

Ông là nạn nhân chiến tranh, lúc bà cố còn sống, mấy anh em ngồi xếp quanh bà trên một tấm đệm cỏ bàng, có khi ngoài hè có khi là trong mùng tránh muỗi, rồi đòi kể chuyện về ông.

Bà kể, hồi đó người ta ném bom tới, ổng chạy về không kịp rồi dính cái miễn bom nhỏ xíu mà mất quá trời máu. Xe hồng thập tự đưa ông lên tận Chợ Rẫy…  Người ta truyền máu không đong đếm nổi, thuốc uống lần cả bụm tay….Và….ông phải bị cưa mất 1 chân…

Vậy mà sau này, mất mát lại đến với ông – khi bà nội tôi mất hồi mới 29 tuổi – khi 2 cô với cha tôi còn chập chững. Rồi ông ở vậy một mình nuôi 3 đứa con tới lớn… Một chân – ông bơi xuồng, lội bưng nhổ bàng đi bán, dăng lưới, cắm câu, hớt tóc, mần đủ thứ nghề làm kế sinh nhai.

Hồi còn nhỏ, mấy anh em tôi còn được theo ông đi bán củi, bán khóm bằng xuồng ở những miệt trên. Tuy từng có một tuổi thơ cơ cực, thêm sự khó khăn, nghiêm khắc từ ông. Nhưng đó là những trải nghiệm và sự luyện rèn tuyệt vời luôn khiến tôi mỉm cười đầy tự hào khi nhớ lại.

Ông có một cuộc đời nhiều mất mát, nhưng ông mạnh mẽ và lạc quan. Ông dành tất cả những gì có thể để có cuộc sống trọn vẹn, tốt đẹp nhất, cho những đứa con, đứa cháu của ông.

Thương ông… 

SG 09/09/2020

P/s:  Nguyên văn bài viết trên tôi đăng tải trên Facebook cá nhân mình vào ngày 9/9/2020 với trọn vẹn cảm xúc chân thực về người Ông đáng kính. Nhưng giờ đây, tôi đã vĩnh viễn mất Ông. Ông Nội đã ra đi vào ngày 17/5/2021 (Nhằm ngày Mùng 6/4 Âm Lịch năm Tân Sửu 2021). Trong lòng tôi, Ông là một người Ông đáng kính, thương yêu, nghiêm khắc dạy dỗ tôi nhiều điều từ thời bé thơ đến khi khôn lớn. 

Nhưng làm sao được? ” Đó là quy luật cuộc đời – con lớn khôn, trưởng thành thì ông sẽ già đi “

Từ ngày ông đi, dù có những ngày luôn phải gồng mình, để cân bằng cảm xúc – nhưng cuối cùng đứa cháu gái nhỏ của ông đã làm tốt. Mỗi ngày, nó luôn hướng suy nghĩ mình phải tích cực, phải cố gắng, phải chinh phục mọi khó khăn… Nó học ở Ông tính cách kiên cường, quật khởi, giàu ý chí, giàu nghị lực. Ông luôn ủng hộ nó, luôn tạo niềm tin tích cực cho nó, và nó biết Ông luôn mong nó thành đạt, an yên.

Ông Nội là một trong những nguồn cảm hứng, động lực lớn để tôi thực hiện và duy trì blog Hương Sắc Miền Tây bằng tình cảm chân thành. Tôi biết, nơi thiên đàng Ông Nội vẫn luôn mỉm cười dõi theo tôi, và ủng hộ tôi mọi việc như hồi còn sinh thời. 

Cảm ơn vì được là đứa cháu gái nhỏ của Ông. Cảm ơn Ông vì những luyện rèn, dạy dỗ từ thuở bé thơ. Cảm ơn Ông vì những lần luôn lắng nghe, ủng hộ, động viên con làm mọi điều con muốn. Cảm ơn Ông vì những hy sinh vì cách sống đẹp đẽ mà ông đã để lại làm tấm gương cho chúng con. Chúng con mãi nhớ, kính nể cuộc đời ông đã đã để lại cho chúng con.

Hình Ảnh Về Ông:

Phan Thùy Linh