Ai có về miền Tây thường hay nghe cách thương mời ăn, mời uống, gửi tặng thức bánh trái quà quê gắn liền câu “ăn lấy thảo”.
Lấy thảo, là nhận lấy tấm lòng thơm thảo của người biếu. Chẳng phải cao lương mỹ vị gì. Đơn là đòn bánh tét các cô dì họp nhau gói ngày giỗ, ngày thường thì chút cây trái miệt vườn mới hái, mớ cá đồng mới lưới được, hay có khi là lọn rau đồng tươi non mới hái, dặn với theo bây cầm về ăn lấy thảo. Đó là khi có khách tới chơi. Còn hôm nào nhà nấu chè, chưng chuối, mần bánh xèo đều cố tình làm dư nhiều phần để chia bà con lối xóm gần nhà. Những dịp này tụi nhỏ sẽ được mẹ hay bà gọi vào bưng đồ ăn sang nhà Bà Năm, Bác Hai hay Cô Sáu nào đó trong xóm: ‘dạ mẹ con nấu chè, mần bánh gửi bà/cô/bác ăn lấy thảo, mỗi lần hoàn thành như lập được công chạy ù về khoe mẽ.

Vài bữa đến lượt nhà cô bác nào khác trong xóm mần gì ngon là lại mang sang biếu ngược lại nhà mình y vậy. Có khi tô cháo, dĩa bánh ít thôi, nhưng dứt khoát phải biếu hàng xóm láng giềng ăn kỳ được mới chịu, chứ không bao giờ thích ăn một mình, ăn một nhà. Đúng là “ăn lấy thảo” vì nó không nhiều, nhưng vui, có tình, có nghĩa. Người miền Tây không có thói ăn giấu ăn giếm, hoặc nhà này ăn thì nhà kia lại dòm ngó, dèm pha, ganh tị…, có thì bưng mờii sẻ chia chẳng tiếc.
Dân thành phố dìa miền Tây chơi, nếu là đàn ông con trai thì hay nói vui phải chuẩn bị tửu lượng cho cứng để nhậu rượu đế với chủ nhà, chứ dìa đó một là ăn cơm gia đình, hai là nhâm nhi ít nhiều vài xị rượu như một phong tục không thể thiếu.

Có lần tôi đọc được trong văn của cô Nguyễn Ngọc Tư “Mâm cơm bày ra dường như ở nhà có bao nhiêu thức ăn đều đã vét hết ra đãi khách. Sơ giao mà chủ nồng hậu hồ hởi đến nỗi tôi nghĩ nếu nhà hết củi nấu cơm, chắc họ rút cây ven vách ra chụm luôn. Bởi người miền Tây nổi tiếng chịu chơi, nếu cần sẵn sàng xúc lúa giống cho láng giềng mượn ăn qua mùa giáp hạt”.
Đọc tới đây tôi mỉm cười – chẳng trật chỗ nào. Dìa miền Tây chẳng có cảnh quan hùng vĩ. Ở đó là nghĩa tình thảo thơm, là những bữa cơm căng bụng với cá đồng, rau rừng, gió trời, và ấm lòng bởi chủ nhà.

Đó là những cảm nhận của tôi về cái nghĩa tình thơm thảo của người dân miền Tây.
Mời bạn theo dõi Fanpage: Hương Sắc Miền Tây
XEM THÊM:
- Chuyên mục: Văn hóa Miền Tây
- Chuyên mục: Ẩm thực Miền Tây
- Chuyên mục: Du lịch Miền Tây