Ẩm thực

Muốn ăn mắm sặc bần chua, chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm

Quan niệm xưa của bà con mình, bần là nghèo, là lầm than khổ cực “Thân em như trái bần trôi. Sóng dập gió dồi biết tắp vào đâu?”. Thế nhưng, cây bần rất gần gũi với bà con Nam bộ. Khúc sông nào có bần, có gió thổi lao rao là nơi đó có ghe xuồng neo đậu để tránh nắng.

Hình ảnh trái bần gắn liền với sông nước miền Tây

Trái bần dân dã và câu chuyện lưu truyền như một huyền thoại

“Cây bần kia hỡi cây bần

Lá xanh bông trắng lại gần chẳng thơm”.

Ban đêm, bần là nơi hội tụ sum vầy của những loài đom đóm. Do đó,  cuộc đời của cây bần cũng đã vinh dự đi vào văn học dân gian.

“Bần gie đóm đậu sáng ngời.

Lỡ duyên tại bậu trách trời sao nên”.

Ngoài ra, bần còn được thăng hoa mà mãi cho tới nay vẫn còn lưu truyền như một huyền thoại. Đó là lần Nguyễn Ánh đi lánh nạn ở cuối dòng sông Hậu đươc bà con dâng cho món đặc sản của làng là mắm cá chốt ăn với bần chua. Sau khi thưởng thức xong, Nguyễn Ánh cảm thấy thơm ngon kỳ diệu, liền cám ơn dân làng và đổi cái tên cúng cơm “Bần” thành một danh xưng mỹ miều, đó là “ Thủy Liễu ”.

Cây bần được chúa Nguyễn Ánh đặt cho danh xưng mỹ miều là “Thủy Liễu”

Mắm sặt bần chua – đặc sản trứ danh miền đất Phương Nam

Trong Tự vị tiếng Việt miền Nam, học giả Vương Hồng Sển viết: “Cây bần có lá xanh rất đẹp, ban đêm đom đóm đậu nhiều trông rất xinh. Có trái, ăn với mắm sống rất ngon. Chúa Nguyễn Ánh được nếm qua, rất hài lòng và ban cho tên chữ là Thuỷ liễu…” Phàm ở đời, không phải món gì vua chúa ăn ngon thì dân cũng thấy ngon. Nhưng riêng món mắm sặc bần chua thì từ vua đến dân đều khen. Cho đến nay, mắm sặc ăn với trái bần vẫn là món ăn đặc sản miền tây được nhắc nhớ nhiều, khiến bà con miền sông nước đi đâu cũng nhớ hoài.

Mắm sặc ăn với bần chua từ vua đến dân ai cũng ngợi khen

Trong các loại mắm sống, nhất là mắm cá nước ngọt, mắm sặt ăn đơn giản vô cùng, chỉ cần lấy trong khạp hay hũ ra là có thể ăn ngay. Con mắm sặt cũng không quá to như mắm rô, mắm lóc nên rất vừa miếng ăn. Mắm sặt giở ra, xắt chuối chát, kèm ít rau dại như lá cách, cơm nguội, đọt sộp, lá lụa, vài trái ớt hiểm xanh, thêm trái bần chua nữa, ăn với cơm nóng thì đã đời luôn. Cả bần ổi và bần dĩa ăn với mắm sặt đều ngon. Dân sành ăn sẽ hơi cầu kỳ chọn trái bần không quá chín, vừa chua tới, ăn vừa giòn vừa bùi, bởi những hạt bần chạm với răng khi ngấu nghiến, pha lẫn vị chát của hạt làm cho con mắm sặt có sức quyến rũ lạ thường.

Bần có thể ăn cùng tất cả loại mắm, nhưng trứ danh vẫn là mắm sặc bần chua

Ca dao có câu: “Muốn ăn mắm sặc bần chua/ Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm”. Bởi mùa nước nổi cũng là mùa bần oằn trái, lúc lỉu ở những nhánh gie mé kinh…

Mùa nước nổi là mùa những cây bần say trái

Các món ăn khác từ trái bần của người miền Tây

Ngoài món mắm sặt chấm bần, người miền Tây còn sáng tạo nhiều món ngon dân dã từ trái bần.

Bần chấm muối ớt, bần chấm nước mắm đường

Cái món chỉ nghe thôi đã… chảy nước miếng, thực ra đâu phải thức ăn ngon lành gì. Nhưng hồi đó ở quê thiếu thốn, có thêm một món ăn là thêm một bữa cải thiện. Trái bần chẻ làm tư, làm tám hoặc xắt lát, chấm với nước mắm pha đường thiệt keo, giằm thêm chút ớt hiểm, cắn một miếng thì vị chua và chát của bần quyện với vị ngọt của đường, vị mặn của nước mắm và cay nồng của ớt sẽ cho hương vị khó tả. Còn chấm muối ớt thì độ ngon hẳn không bằng vì khó ăn hơn, nhưng cũng là dịp để trải nghiệm một món ăn dân dã của miền sông nước…

Vấn vươn hương vị trái bần chấm muối ớt

Canh chua bần, cá kho bần

Trái bần chín được dùng để nấu canh chua. Khi chín, trái bần sẽ mềm và nhiều nước hơn, đem dầm ra và cho vào nồi nước sôi, thả thêm vài con cá bông lau đã được làm sạch, ngò thơm, rau diếp là có ngay một nồi canh bần chua hấp dẫn.

Hoặc có thể dùng bần chín kho chung với cá. Khi kho cá gần chín tới cho nguyên trái bần vào, đến lúc gần ăn mới dầm ra. Nếu ăn hai món này vào mùa hè sẽ có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Trái bần chín cũng được dầm với nước mắm, thêm ớt, đường, bột ngọt… dùng chấm rau muống luộc hay đọt rau lang.

Cá kho bần

Gỏi bông bần, mứt bần

Bông bần vào mùa nở rộ rất đẹp, dùng để trộn gỏi với thịt heo hoặc các loại thủy sản. Bông bần vừa búp hoặc vừa hé nở thì được hái về, tách ra, lấy phần cánh bỏ cùi và trái nhỏ bên trong, sau đó đem ngâm nước muối, để ráo. Tép bạc, cá sặc hoặc thịt heo thái nhỏ, luộc sơ rồi đem trộn chung với hoa bần. Thêm giấm chua, chanh, đường và các gia vị khác, nêm nếm sao cho phù hợp khẩu vị người ăn. Gỏi bông bần có thể xem là món đặc sản ở Cù Lao Dung, Sóc Trăng.

Bông bần

Bây giờ còn có món mứt bần, vốn được nhiều người Việt ở nước ngoài về tìm mua. Đó là bột bần lấy từ trái bần chín, bỏ hột, hòa với đường phèn để làm món mứt có một không hai, dùng để ăn ngay hoặc chế biến nước giải khát. Các món bần đều rất đặc trưng, không lẫn với món khác.

Ngày nay, mỗi lần nghe ai đó nhắc đến: “Muốn ăn mắm sặc bần chua. Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm”, những người miền Tây xa quê lại càng thêm nhớ.

Quên làm sao được hình ảnh trái bần bập bền trên bến nước

Ừ thì…Quên làm sao được hình ảnh trái bần bập bềnh trên bến nước…

“Không thương, em hổng có cần

Trầm hương khó kiếm chớ đước bần thiếu chi”.

Phan Thùy Linh  (Nắng)

Mời bạn theo dõi Fanpage: Hương Sắc Miền Tây

XEM THÊM: