Bánh lá dừa được bày bán nhiều ở các chợ vùng sông nước Cửu Long. Những chiếc bánh được lưu truyền như thế, đến nay cũng chẳng một ai xác định được bánh lá dừa có từ bao lâu, chỉ phỏng đoán chắc cả trăm năm rồi.
BÁNH LÁ DỪA
“ Mời ai mua bánh lá dừa,
Bánh này em gói nếp mùa thật ngon
Ai mua về đãi bà con,
Bánh em nóng hổi, ngọt ngon hơn đường.”
Ngọt ngon bánh lá dừa miền Tây
Bánh lá dừa là món ăn dân dã quen thuộc khắp vùng đồng bằng Nam Bộ mình. Cũng chưa có ai đi tìm hiểu rằng cái gốc gác, xuất xứ của bánh lá dừa có phải khởi phát từ “xứ dừa” Bến Tre hay ở tỉnh nào trong lục tỉnh. Chỉ có điều chắc chắn nó ngầy ngậy, đậm đà “hương vị miền Tây” của vùng châu thổ mênh mông, dồi dào nguyên liệu cho văn hóa ẩm thực nơi này.
Nguyên liệu chính để làm bánh lá dừa được tương truyền lại bao gồm nếp dẻo Phú Tân (An Giang), dừa khô, đậu xanh hoặc đậu đen, chuối xiêm và lá dừa nước non. Nếp làm bánh phải chọn loại thật dẻo thì bánh mới có hương vị thơm ngon, đặc trưng. Nếp sau khi gút sạch cho vào thúng để khô, rưới nước nhiều lần cho nếp thật mềm. Dừa khô nạo lấy lớp mềm trên mặt, sau đó băm nhuyễn trộn vào nếp cùng với đường và muối,. Bánh lá dừa nhưn đậu thì có đậu xanh hoặc đậu đen, nhưn chuối thì dùng chuối xiêm chín lột vỏ bổ đôi mới đúng…
Kỹ thuật gói bánh lá dừa tuy đơn giản nhưng rất cần sự khéo léo. Cho nếp vào gần nửa nòng bánh (hình trụ ống) sau đó cho đậu hoặc chuối vào rồi bẻ miệng cho vừa và đủ nòng, cuối cùng dùng dây gân buộc chặt vừa phải theo chiều dọc của bánh. Buộc chặt quá khi hấp nếp không nở đủ độ, bánh sẽ khô và sượng. Còn siết không chặt khi hấp nước nong vào, bánh nhão.
Bánh gói xong được cột lại thành chùm. Lúc nấu lấy lá dừa lót thành lớp mỏng dưới đáy nồi vừa lấy được thêm hương dừa vừa tránh bánh bị cháy khét. Xếp bánh vào nồi, đổ nước ngập mặt bánh, phủ thêm một lớp lá dừa trên bề mặt, sau đó đậy kín rồi nổi lửa nấu bánh từ 2-3 giờ đồng hồ là bánh chín. Có thể đun bằng bếp củi hoặc gáo dừa. Chưa kịp mở nắp, chỉ cần đi qua nồi bánh đang nấu đã đủ ngửi được mùi thơm của lá dừa, của bếp và mùi nước cốt dừa.Muốn bảo quản lâu, khi vớt ra phải nhúng bánh qua nước lạnh cho hết nhựa, treo lên, để ráo.
Được lưu truyền như thế, đến nay cũng chẳng một ai xác định được bánh lá dừa có từ bao lâu, chỉ phỏng đoán chắc cả trăm năm rồi. Nghệ nhân Huỳnh Thị Trọng (Sáu Trọng) hơn 80 tuổi ở Bình Thủy có 3, 4 lò bánh tét nổi tiếng đất cần Thơ trước từng làm bánh lá dừa cũng xác định vậy.
Và ngày nay, những chiếc bánh lá dừa ngọt bùi, thơm mùi lá, đã trở thành món quà quê quen thuộc cho nhiều du khách ghé du lịch miền Tây!
Tổng hợp theo tác phẩm: Ai ăn bánh lá dừa hôn…(Nhà văn Vũ Thống Nhất, đăng trong sách Hương vị Bánh Miền Tây.)