Trong các thứ rau dân dã, lá cách là một trong những loại rau được người dân miệt vườn ưa thích nhất, là món ăn khoái khẩu không thể thiếu trong bữa đổ bánh xèo, ăn kèm với cá lia thia kho lạt, hay có món chuột đồng xào lá cách đặc biệt chỉ có ở miền Tây.
Rau lá cách trong ký ức người dân miền Tây
Lá cách gắn liền với cuộc sống của người dân Nam Bộ bằng các món ăn được sáng tạo từ thời khai hoang, mở đất. Tất cả đều là những nguyên liệu bình dị mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất phương Nam. Dù là rau dại nhưng lá cách là điểm nhớ để khơi lại thời của những món ăn dân dã, bình dị mà đậm tình quê hương, đặc biệt là với những ai xa quê mỗi lần có dịp lại nhớ đến “da diết”.
Nhất là vào dịp Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5, người dân quê thường hay đổ bánh xèo để cúng gia tiên và thiết đãi con cháu tụ họp sum vầy. Chộn rộn nhất vẫn là tìm sao cho được rổ rau vườn nhiều loại nào đọt xoài, cải xanh, rau thơm…gì thì gì nhưng nếu thiếu lá cách coi như món bánh xèo giảm đi một phần ba sự hấp dẫn.
Ngoài bánh xèo lá cách còn có món cá lia thia kho lạt, nếu cuốn bánh tráng mà rau sống đi kèm không có lá cách thì phần thi vị giảm đi mấy lần. Còn có khoai lang mắm sống cuốn lá cách là món ăn đặc sản nổi tiếng của vùng sông nước Cửu Long. Khoai lang luộc xong bóc bỏ vỏ, cặp với một con mắm sống (thường là cá trèn, cá linh, cá sặc,…), cùng một nhúm rau cải các thứ và lá cách là có ngay món ăn đồng quê hấp dẫn.
Còn một món nổi danh miền Tây khiến nhiều người vừa bất ngờ vừa thấy thú vị. Đó là món thịt chuột xào lá cách “độc nhất vô nhị miền Tây”. Có dịp nào ghé qua miền Tây được chủ nhà đãi món thịt chuột xào lá cách lai rai vài ba xị đế là đảm bảo bạn nhớ hoài không quên được.
Ngày nay, món lá cách được nhiều người yêu thích, nhất là những người miền Tây xa quê. Mỗi lần có dịp về quê là tìm hái mớ lá cách đem theo lên xì phố để dành ăn dần. Bật mí có món lá cách xào thịt bò cũng ngon lành chẳng kém món ăn miệt vườn nào.
Gọi là lá cách, nhưng nó vẫn luôn luôn gần gũi với cuộc sống đời thường, mà bất cứ ai một lần xa quê cũng sẽ còn nhớ mãi.
Một số công dụng của lá cách
Một số công dụng của lá cách trong y học được ghi chép như:
Kháng viêm: Lá cách ức chế phù nề, giảm tình trạng viêm nhiễm. Trong các mô hình cấp tính, albumin trứng gây phù nề chân chuột, lá có thể ức chế sự hình thành phù nề. Trong mô hình mãn tính, sự hình thành u hạt gây ra bằng viên bông ở chuột PCEE. Lá làm giảm đáng kể sự hình thành u hạt với tỷ lệ phần trăm ức chế tương ứng là 35,17% và 50,38%.
Bảo vệ gan: Chiết xuất ethanol từ Lá có tác dụng như silymarin. Một chất tăng cường khả năng khử độc của gan, kích thích tái tạo tế bào gan. Đồng thời bảo vệ gan khỏi các thương tổn như rươu, thuốc độc gan.
Hạ huyết áp: Lá cách trợ tỳ can, chủ trị các chứng tăng huyết áp do can hỏa vượng, can dương vượng. Triệu chứng của những chứng này thường là đỏ mặt, hay cáu giận, ngủ khó vào giấc, tăng huyết áp, tinh thần lo lắng. Lá cách làm dịu tinh thần, cải thiện giấc ngủ, dễ vào giấc, ngủ sâu. Ngoài ra, lá có tính hành khí hoạt huyết, tăng lưu thông máu, giảm sức cản ngoại biên nên làm giảm huyết áp.
Theo y học cổ truyền: Người ta xem đọt cây cách có vị ngọt, tính mát. Tác dụng trợ tỳ can, làm mát gan, sáng mắt, tiêu độc, lợi tiểu. Trị phù do gan, xơ gan (dùng lá cách cặp với một miếng gan động vật nướng chín mà ăn). Lá Cách cũng được sử dụng làm thuốc chữa lỵ, thông tiểu tiện và giúp sự tiêu hóa.
Hình ảnh: Sưu tầm Google
Mời bạn theo dõi Fanpage: Hương Sắc Miền Tây
XEM THÊM:
- Chuyên mục: Văn hóa Miền Tây
- Chuyên mục: Ẩm thực Miền Tây
- Chuyên mục: Du lịch Miền Tây