Bảng lược sử tòa nhà Đốc Phủ Hải Gò Công ghi rằng: “Nằm giữa trung tâm thị xã Gò Công, nhà ở của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải là một di tích có nền kiến trúc độc đáo cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, có lịch sử hình thành và phát triển khá phong phú.
Ai từng ghé tham quan nhà Đốc Phủ Hải đều trầm trồ ngưỡng mộ vẻ đẹp của ngôi nhà. Bởi Nhà Đốc Phủ Hải được xem là ngôi nhà cổ còn bảo quản hoàn chỉnh nhất, là công trình kiến trúc nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1994.
Sau đây mời bạn cùng Hương Sắc Miền Tây khám phá nhà Đốc Phủ Hải – Dinh Đốc lịch sử nổi tiếng của Gò Công Tiền Giang.
Lịch sử Nhà Đốc Phủ Hải Gò Công
Đây là nơi mà vào năm 1860, bà Trần Thị Sanh (vợ Trương Định) đầu tiên xây dựng và sinh sống. Với ngôi nhà chữ đinh ba gian lợp lá, bà đã sống và gặp Trương Định buổi đầu vào Nam lập nghiệp với tâm nguyện và chí hướng cùng lo cho dân, cho nước, tâm đầu ý hiệp nên hai người kết duyên cầm sắt.
Năm 1864, Trương Định tuẫn tiết, bà Sanh vào chùa quy y và giao quyền trông nom, quán xuyến ngôi nhà cho Dương Thị Hương (con riêng của bà) và rể là Tri huyện Trường Bình, nên thường gọi là nhà Bà Huyện.
Vào khoảng 1880-1885, Huyện Ngươn (Tri huyện Trường Bình) chán cảnh quan trường về trí sĩ, nên cho tôn tạo lại ngôi nhà này khang trang, thoáng mát để dưỡng già. Khi ông bà qua đời, ngôi nhà này tiếp tục để cho con gái là Huỳnh Thị Diệu và chồng là Nguyễn Văn Hải làm chức Đốc phủ sứ, nên có tên là nhà Đốc phủ Hải.
Cuối thế kỷ trước (1895-1900), Nguyễn Văn Hải có chút tân học ở Pháp nên đã xây dựng thêm tiền sảnh theo kiểu “roman” và xây hai nhà vuông hai bên để người làm cùng ở. Đến năm 1909-1917, ngôi nhà được tu bổ thêm, xây tường rào sắt tây ba mặt và phần sau xây lẫm lúa to lớn.
Nói chung, nhà này công lao xây dựng của bà Trần Thị Sanh, truyền lại cho con gái là Dương Thị Hương. Đây là giai đoạn tân tạo quan trọng nhất còn đến ngày nay”.
Theo sử liệu, năm 1844, Trương Định – một chàng trai xứ Quảng (Quảng Ngãi) vừa tròn 24 tuổi, theo cha là Lãnh binh Trương Cầm vào đất Gia Định. Là con nhà võ, “trang mạo khôi ngô, thông hiểu binh thư và bắn giỏi” (Lãnh binh Trương Định truyện – Nguyễn Thông), Trương Định sớm “lọt mắt xanh” cô gái Gò Công – Lê Thị Thưởng, con nhà hào phú. Hai người nên duyên chồng vợ. Trương Định được gia đình vợ giúp tiền của để mộ dân khai phá đất hoang vùng Gia Thuận, lập đồn điền, được triều đình phong chức Phó Quản cơ. Khi quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định (1859), ông liền tập hợp dân quân ở đồn điền cùng quân triều đình chống giặc Pháp.
Ngày 07/12/1860, ông cho quân phục kích tại chùa Khải Tường, tiêu diệt tên Đại úy thủy quân lục chiến Pháp Barbé, gây tiếng vang chấn động bọn thực dân Pháp. Thanh thế Trương Định ngày càng lan rộng, được triều đình phong chức Quản cơ, rồi thăng chức Phó Lãnh binh tỉnh Gia Định.
Từ kinh đô Huế, Hoàng Thái hậu Từ Dũ khéo léo sắp xếp cho Trần Thị Sanh (cháu gọi Quốc công Phạm Đăng Hưng – thân sinh bà Từ Dũ – bằng cậu ruột), đang góa chồng, làm vợ lẽ Trương Định với dụng tâm: Qua bà Sanh, ông Định có được nguồn lực nuôi quân đánh Pháp, giữ đất Gò Công nhau rốn cho bà Hoàng Thái hậu. Bà Sanh vốn giàu lòng yêu nước, thương dân, có trong tay 500ha đất, giúp Trương Định xây dựng căn cứ Tân Hòa và nhiều đồn lũy rải khắp khu vực, trở thành trung tâm chống giặc Pháp đầu tiên ở Nam kỳ.
Dưới cờ đại nghĩa Trương Định, dân và nghĩa quân liên tục tiến đánh các đồn giặc, gây cho quân Pháp nhiều tổn thất; có lúc, chúng phải tháo chạy và bị quân ta truy kích ráo riết; tướng chỉ huy Bonard phải ra lệnh quân Pháp rút chạy khỏi Gò Công. Có lúc, Pháp đưa tướng Jaurès, tướng Chaumont, tướng De la Grandière và nhiều cấp chỉ huy khác tập trung lực lượng về Gò Công đối phó với Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định ở căn cứ Tân Hòa…
Cuối cùng, giặc Pháp cho bọn tay sai mật thám lùng sục, tên Việt gian Đội Tấn (Huỳnh Văn Tấn) đánh hơi được nơi ẩn náu của vị thủ lĩnh nghĩa quân được nhân dân hết lòng yêu kính. Hắn bí mật tung lực lượng đông đúc ra đánh úp.
Trong lúc tả xông hữu đột giữa rừng tên mũi đạn, Trương Định bị thương, không để rơi vào tay giặc nên rút gươm ra tuẫn tiết tại trận vào ngày 20/8/1864, khi mới 44 tuổi.
Giặc Pháp mang thi hài Anh hùng dân tộc Trương Định về bêu tại chợ Thuận Ngãi (Gò Công), sau 3 ngày mới cho bà Trần Thị Sanh lãnh về chôn tạm trên đất họ Trần của bà. 10 năm sau (1873), bà Sanh làm đơn xin quan Chủ tỉnh cho bà xây lại mộ chồng. Lăng mộ xây đúng quy cách thời Nguyễn, có đối liễn, văn bia (chữ Nho) ca ngợi công tích Trương Định. Nhà cầm quyền Pháp biết, bèn ra lệnh đục bỏ hết chữ Nho và khuôn lăng bằng đá hoa cương.
Năm sau, bà Sanh lại làm đơn “xin quan lớn cho phép tôi làm cái mả lại cho ông Quản Định”. Bà kể rõ: “Năm Kỷ Dậu, tôi có làm vợ nhỏ của ông ấy 2 năm, nay vợ lớn của ông ấy đã trốn biệt, các con của ông ấy đã chết hết…”. Nhận đơn bà Sanh, viên Chủ tỉnh Gò Công đồng ý và trình lên Nha bản xứ vụ của Phủ Thống đốc Nam kỳ để xin chuẩn y. Nha này đồng ý nhưng “yêu cầu phải có biện pháp cần thiết để việc xây mộ không thể bị lợi dụng như là một cái cớ cho bất kỳ hành vi phiến động nào”.
Bà Sanh kêu thợ xây mộ cho người chồng quang vinh của mình bằng đá granit; vẫn cho khắc văn bia gắn lên mộ ca ngợi Trương Định: “… dòng dõi trâm anh, hành động anh hùng, quyết sống chết nơi sa trường, ngàn năm ngưỡng mộ…” và các bức hoành, trong đó có bức ghi: “Vạn cổ phương danh” (Tiếng thơm muôn thuở). Việc này, Nha Nội chính Pháp biết, liền ra lệnh đục bỏ hết các chữ Nho khắc trên lăng mộ Trương Định một lần nữa.
Điều này cho thấy, bà Trần Thị Sanh trước sau vẫn giữ nguyên tấm lòng tôn thờ người chồng anh hùng mà bà hết mực quý yêu (theo Tạp chí Xưa & Nay số 450/2014).
Vẻ đẹp xuyên thời gian của nhà Đốc Phủ Hải
Nhà Đốc phủ Hải gồm một cụm 5 ngôi liền kề nhau, trong đó, ngôi chính 3 gian đồ sộ hơn hết và là một không gian nghệ thuật chạm khắc gỗ vẫn còn nguyên vẹn, cả những hàng cột gỗ mun lên nước bóng loáng, cẩn xà cừ các câu đối chữ Nho. Giường, tủ, bàn, ghế,… đều được chạm trổ tinh xảo.
Hiện ở Việt Nam, những ngôi nhà có lối kiến trúc Á Đông kết hợp hài hòa với phong cách Roman còn lại rất hiếm. Đây cũng là địa chỉ được nhiều đôi uyên ương chọn để chụp album cưới hoặc được lấy làm bối cảnh cho nhiều bộ phim có nội dung thời Pháp thuộc.
Mái lợp ngói âm dương mang đậm phong cách kiến trúc Á Đông.
Lối đi xung quanh ngôi nhà thiết kế dạng cửa vòm theo kiểu Roman, mang nhiều ánh sáng cho ngôi nhà.
Trên đầu cột và vòm cửa chạm nổi hoa văn. Các tủ, bàn, ghế được chạm trổ theo kiểu Louis tinh xảo. Vật liệu đều làm từ gỗ quý hay cẩm thạch. Nhờ đó mà trải qua hơn trăm năm, ngôi nhà vẫn giữ nguyên vẻ đẹp khiến không ít người trầm trồ khi có dịp ghé thăm.
Qua thăng trầm của thời gian, công trình được bảo quản gần như nguyên vẹn có hơn 350 khuôn biển trang trí, đại tự, liễn khảm xà cừ và 70 cổ vật. Trong nhà còn có các đồ dùng quý như tủ, ghế khảm xà cừ, bàn đá cẩm thạch, đồ sứ Trung Quốc và Việt Nam thế kỷ 17-18. Nổi bật là giường Thất Bảo lát những tấm đá cẩm thạch màu sắc khác nhau, chân chạm nổi hoa lá, khảm xà cừ và hai bộ đi văng bằng đá cẩm thạch màu trắng vân đen.
Những dòng chữ ý nghĩa được chạm khắc trong nhà: Nhân Đức là thứ quý báu, tồn tại lâu bền ở trên đời (Nhân Đức vi thế thượng kỳ trân, vô cương du cửu).
Chiếc đàn kìm, nhạc cụ cơ bản của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, cũng là chi tiết trang trí được chạm trổ trong nhà.
Có dịp về Gò Công Tiền Giang bạn nhớ ghé qua nhà Đốc Phú Hải tham quan nhé.
(Biên tập và tổng hợp từ nhiều nguồn)
Mời bạn theo dõi Fanpage: Hương Sắc Miền Tây
XEM THÊM:
- Chuyên mục: Văn hóa Miền Tây
- Chuyên mục: Ẩm thực Miền Tây
- Chuyên mục: Du lịch Miền Tây