Người miền Tây thường có câu “tháng 7 nước nhảy lên bờ” nhưng năm nay thì khác đến tận giờ này nước vẫn giật xa tít bờ sông. Năm nay vựa lúa miền Tây mà không có lũ từ nước ngọt thượng nguồn đổ về thì căng lắm…
NGÓNG LŨ
Chưa thấy “tháng bảy nước nhảy lên bờ”
Thường thì giữa tháng 7 âm lịch sắp tới nước sẽ lên trắng các cánh đồng ở mạn biên giới như An Giang, nhưng đến giờ mực nước vẫn còn quá thấp, rất khó 2 tuần nữa có nước để vô đồng được.
Ở hạ nguồn Việt Nam, bao nông dân cũng đang ngày đêm ngóng con nước về. Miền Tây Nam Bộ chằng chịt kênh rạch, nhưng hầu như tất cả đều phụ thuộc vào mực nước sông Tiền, sông Hậu – đoạn cuối cùng của dòng Mekong trước khi đổ ra biển.
“Năm nay vựa lúa miền Tây mà không có lũ từ nước ngọt thượng nguồn đổ về thì căng lắm…!
Con nước không về thì căng lắm! Bởi bao năm nay, nguồn nước lũ làm “hàng rào” chống mặn xâm nhập các cánh đồng lúa miền Tây. Nếu lũ không có hoặc quá thấp, vấn đề mặn xâm thực chẳng phải là viễn cảnh gì xa xôi, mà ngay trước mắt khi mùa nắng tới.

Lũ miền Tây năm nay diễn biến lạ thường
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền có khả năng ít hơn so với TBNN.
Khoảng từ cuối tháng 7 đến tháng 10-2019, tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn Mekong ở mức thấp hơn so với TBNN 20 – 30%. Đỉnh lũ năm đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1 – báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN 0,2 – 0,4m.
Thời gian xuất hiện đỉnh lũ khả năng vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 và tháng 11, 12-2019, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế giảm dần và ở mức thấp hơn TBNN.
Xuôi Long An, Tiền Giang rồi về Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang… những ngày đợi lũ, đi đến đâu ai cũng dễ dàng nghe được trăn trở chuyện con nước lớn – ròng. Nhà khoa học lý giải theo tính toán khoa học, nhưng nông dân thì bấm đốt ngón tay tính toán theo kinh nghiệm truyền đời.
Sự thiệt hại trước mắt thì quá rõ ràng ở những làng cá, những cánh đồng xả lũ. Nhưng cái đáng lo cũng không hề xa xôi là chỉ vài tháng nữa khi gió đông về, nắng đổ lửa xuống ruộng đồng, người dân sẽ làm gì để sống khi đất đai khô cằn, biển mặn tràn vào?

Trĩu lòng ngóng con nước lũ
Tâm sự mong lũ, người nông dân miền Tây hồ hởi kể: “Thời trẻ của mình nghe tiếng cá quẫy lội trên đồng nước đã trở thành âm thanh quen thuộc như tiếng cơm sôi. Cá nhiều tới mức người ăn không hết, chó mèo ăn không kịp, phơi khô cũng không kịp, người ta đổ đống làm phân trồng cây là có thật.”
Nguồn cá chủ yếu đến từ sông Mekong. Chúng theo con lũ thượng nguồn chảy về, rồi lên đồng ruộng nuôi sống người dân châu thổ lẫn góp phần làm sạch ruộng đồng cho vụ lúa sau lũ. Nhưng nhiều năm gần đây, nguồn lợi trời cho từ lũ đã lao dốc như xe không thắng.
“Đến tụi tui ở ngay dưới này muốn tìm con cá khô đồng ăn còn quá khó”
Thậm chí, nhiều trảng cỏ ven khu vực gần nhà dân như vẫn còn “mắc cạn”. Nước lũ về muộn và ở mức thấp lịch sử, đã làm ảnh hưởng đến quy luật sinh trưởng của nhiều sản vật đặc trưng mùa nước của vùng đầu nguồn. Chẳng những cá tôm, cua ốc sụt giảm, mà ngay cả rau muống đồng, bông điên điển cũng không nhiều và ngon như trước.
Về đi lũ ơi! Nghe như tiếng thở than, nghe như tiếng ước mong của nông dân châu thổ phương Nam…
Nguồn: Tổng hợp