Bài viết nổi bật

Làng nghề dệt choàng trăm tuổi ở miền Tây

Trải qua bao thăng trầm, những nghệ nhân làng dệt choàng Long Khánh  – Hồng Ngự  không chỉ giữ nghề, mà còn đưa những chiếc khăn trở thành món quà lưu niệm không thể thiếu mỗi khi ghé về quê hương Đồng Tháp.

Nhộn nhịp làng dệt choàng Long Khánh Hồng Ngự

Ai yêu thích vẻ đẹp mộc mạc, nhẹ nhàng của những chiếc khăn choàng Nam Bộ đều biết đến làng nghề dệt choàng nổi tiếng xứ Hồng Ngự (Đồng Tháp). Cũng như bao làng nghề truyền thống khác, làng nghề dệt choàng Long Khánh A ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, đã từng đứng trước nguy cơ mai một.

Từ trong cái khó, người dân nơi đây đã “thử” thoát khỏi lối mòn của tư duy sản xuất truyền thống, chủ động đổi mới sáng tạo, tìm đến những phương thức sản xuất mới, cho ra đời những sản phẩm mang tính đột phá. Nhờ vậy, một làn gió mới đã khiến nơi làng nghề trăm tuổi hồi sinh.

Từ nguy cơ mai một làng nghề dệt choàng Long Khánh Hồng Ngự ngày một hồi sinh (Ảnh Ngọc Tài)

Đặt chân đến làng nghề dệt choàng tại ấp Long Tả, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, âm thanh những máy dệt choàng, se chỉ vang lên liên hồi. Những guồng máy dệt tay hầu như đã dần được thay thế bằng cơ giới hóa để tăng năng suất.

Nếu như trước đây, làng dệt choàng chỉ bám víu vào hai mùa lúa bán khăn rằn cho bà con nông dân, thì nay mỗi ngày làng sản xuất hàng ngàn chiếc khăn.

Nhiều mẫu mã mới tại làng nghề dệt choàng (Ảnh Ngọc Tài)

Không chỉ vậy, khách thập phương, kể cả khách nước ngoài, cũng biết đến chiếc khăn choàng cổ Long Khánh nhiều sắc màu, rồi cà vạt, túi xách, quần áo cũng lần lượt ra đời.

Nhộn nhịp du khách nước ngoài ghé thăm làng nghề (Ảnh Ngọc Tài)

Bà Nguyễn Thị Kim Chiều, một nghệ nhân có kinh nghiệm, chia sẻ việc thương mại hóa sản phẩm từ khăn choàng cũng được chăm chút từ mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu…

Nhiều bạn trẻ của xứ cồn Long Khánh cũng miệt mài trở thành những đại sứ thương hiệu tự hào giới thiệu với bạn bè sản phẩm quê mình.

Những người trẻ cùng lan tỏa (Ảnh Ngọc Tài)

Những tín hiệu đáng mừng ở làng nghề dệt choàng

Hiện nay, làng nghề có khoảng 50 hộ sản xuất với 150 khung dệt. Ông Nguyễn Văn Khơi, chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự, chia sẻ chính sách phát triển làng nghề luôn được huyện quan tâm.

Quy trình sản xuất ngày một tiên tiến, quy mô (Ảnh Ngọc Tài)

Ngoài nhà trưng bày sản phẩm, sắp tới huyện sẽ đầu tư cầu tàu để các tàu du lịch thuận tiện cặp bến tham quan cồn, tham quan làng dệt, mua sắm các sản phẩm của làng dệt choàng trăm tuổi này.

Địa phương tạo nhiều điều kiện kết nối làng nghề với du lịch (Ảnh Ngọc Tài)

Ông Nguyễn Hữu Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho rằng, làng nghề dệt choàng ở xã Long Khánh A là một trong 40 làng nghề tiểu thủ công nghiệp đã được tỉnh Đồng Tháp công nhận.

Dựa trên tình hình phát triển và tiềm năng của các làng nghề trong tương lai, Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghề, làng nghề truyền thống giai đoạn 2018 – 2020.

Nhiều tín hiệu đáng mừng cho làng nghề dệt choàng Long Khánh, Hồng Ngự (Ảnh Ngọc Tài)

Đó là những tín hiệu đầy phấn khởi cho làng nghề dệt choàng trăm tuổi xứ miền Tây!

Theo tác giả Ngọc Tài, báo Tuổi Trẻ

1 bình luận
  1. Tự hào một làng nghề văn hóa trăm tuổi của quê hương miền Tây <3

Bình luận của bạn