Mọi người biết không, quê hương miền Tây lạ lắm, người ta thường biết đến mảnh đất này là một vùng đất phù sa, nước ngọt dồi giàu từ chín nhánh Cửu Long, cây trái xum xuê trĩu quả, và là một trong những vựa lúa gạo lớn của nước ta. Có thể vì vẻ hào nhoáng của khu vực hạ lưu sông Mê Kông kia đã làm người ta quên mất, mảnh đất ở phía Nam Tổ Quốc này cũng có rất nhiều tỉnh giáp biển, cũng có những ngư trường lớn và thủy sản cực kỳ phát triển, trong đó, cá khô cũng là một trong những sản phẩm chủ lực của vùng.
Một trong những làng nghề cá khô nổi tiếng ở miền Tây là làng nghề cá khô Bình Thắng, thuộc huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre. Và sau đây mời bạn cùng Hương Sắc Miền Tây ghé thăm làng nghề các khô Bình Thắng – đặc sản xứ biển miền Tây.
Làng nghề cá khô Bình Thắng Bến Tre
Sơ lược làng nghề cá khô Bình Thắng
Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng được biết đến là làng nghề lâu đời và lớn nhất tỉnh Bến Tre. Với lợi thế giáp cửa biển, thêm nhiều kênh rạch, giúp Bình Đại trở thành vùng có nguồn tôm cá dồi dào nhất so với các huyện khác của Bến Tre.

Từ cá nước ngọt, nước lợ đến nước mặn đều có đủ. Ở đây, có một loại khô đặc sản là khô cá ngát, rất ngon và hiếm có khó tìm. Cá được xẻ tươi, ướp gia vị rất vừa, phơi xong cá trong, đỏ au, ăn rất ngon. Ngoài ra, cô khá đù một nắng, khô mực, khô cá đuối cũng là những đặc sản của làng. Trước đây, làng nghề vốn chỉ tập hợp những hộ làm khô nhỏ lẻ, lâu dần phát triển rộng, cung cấp khô cho nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Khô được phơi thủ công, tự nhiên dưới nắng nên rất ngon và được nhiều nơi ưa chuộng. Vào những ngày gần Tết, làng nghề càng nhộn nhịp để có thể cung cấp khô đủ và kịp cho thị trường.

Sự kỳ công khéo léo của người làm nghề cá khô ở Bình Thắng
Chỉ ai từng trải nghiệm mới biết nghề này khổ lắm mọi người ạ, nhưng lỡ gắn bó với nó rồi thì cũng không bỏ đi đâu được. Một trong những quy trình làm cá khô mà tôi được biết, được tận mắt tìm hiểu và cũng là quy trình phổ biến nhất, khi ngư dân đánh bắt cá đem về cảng, cập bến với những chiếc ghe, chiếc tàu đầy ắp thủy sản đem về, cá lớn, cá bé, con tươi, con muối đá, to nhỏ có đủ loại. Người ta vận chuyển cá đến những cái xưởng nhỏ chuyên làm khô. Ở đây, những người làm thuê đa số là dân địa phương trong xã, trong ấp đó, không đâu ai xa lại, mà có khi cả chủ xưởng cũng vậy, cũng là một người con miền Tây, lớn lên từ nhỏ gắn với cái làng cái xã đó, làm ăn có chút phát đạt về mở xưởng hỗ trợ công ăn việc làm cho bà con, cũng để phát triển cái nghề phơi cá làm khô này.

Sau khi cá được chuyển đến xưởng, mọi người chia nhau mang cá về bàn của mình rồi xẻ khô. Ta nói, ai mà tận mắt xem cảnh mấy cô chú anh chị ở đây xẻ khô mới lạnh sống lưng. Con dao trên tay nhỏ xíu, bén thiệt bén, xẻ thoăn thoắt không cần nhìn xuống, tay lấy cá, tay lóc xương chẻ con cá làm 2 ngọt xớt chỉ trong vài giây ngắn ngủi.

Người dân Bình Thắng kiên trì giữ lửa nghề làm cá khô
Mọi người vừa làm, vừa nói chuyện vui vẻ rôm rả, cô thì khoe “Con trai của cô mới vào đại học, cái trường gì đó cũng danh tiếng lắm chớ cô cũng không rành, nghe nói nó học vậy, thấy đậu đại học thì mừng cho nó, ráng chẻ khô để lo cho nó ăn học cho nó sau này đỡ khổ. Mà biết đâu sau này về đây mở xưởng khô cũng không chừng”, nói dứt câu cô bật cười giòn tan sảng khoái.
Còn chú kia thì nói “miếng ruộng chú dạo này bị đạo ôn nhiều quá, chắc năm nay thất mùa cũng chẳng biết sao, trời cho nhiêu ăn nhiêu chớ ai cũng vậy đâu phải mình chú, có than cũng hỏng được gì.” Nói rồi chú tặc lưỡi thở dài. Nói chuyện mấy câu vui miệng vậy đó chớ cô chú đã làm được cả rổ cá khô mười mấy ký lô. Có mấy anh thanh niên làm ở khâu phơi cá, đem mấy cái vỉ cá ra gác lên 2 hàng cây để sẵn phơi, rồi cô chú chỉ việc cân ký tính tiền xong sắp cá lên vỉ. đợi đến khi đủ nắng, cá thành khô rồi đem đóng gói xuất khẩu đi thôi.

Ta nói, thấy vậy chớ không phải vậy, nghề này cũng khổ trăm đường, có hôm trời không rải một giọt nắng nào trên cái sân xi-măng đó hết, như vậy phải đem sấy gấp, lại tốn thêm điện, nên nhà xưởng phải giảm tiền công của cô chú làm thuê một chút, cũng có mùa cá không đủ làm, cô chú phải thất nghiệp rồi đi làm mướn, làm cỏ thuê đợi mùa cá trúng. Cũng có những hôm cá về nhiều thiệt nhiều nhưng toàn cá nhỏ xíu, cỡ đầu ngón tay, làm lâu ơi là lâu mới được một ký,…
“Vất vả là vậy nhưng bỏ nghề thì không ai chịu bỏ, vì làm cái này vui, anh chị em gom lại, vừa làm vừa nói chuyện rom rả một khoảng nhà xưởng, vì làm cái này quen, làm nghề khác năng suất lại không bằng, vì làm cái nghề này yêu, yêu mùi tanh tanh, thum thủm, yêu những lúc con cá do mình chẻ ra được đóng gói, đi tận trời Tây chớ bộ và… vì không làm nghề này thì ai làm nghề này, không làm nghề này thì không có doanh nghiệp nào mở nữa, không làm nghề này các ghe tàu chở cá vào bán đi đâu, không làm nghề này thì … lấy đâu ra một cái nghề để lành tay lành chân truyền cho con cháu. Thấy nghề này cực thì cực vậy chớ cũng quý, cũng quan trọng, cũng góp phần phát triển nước mình lắm chớ bộ, cá xuất đi cũng mang nhãn hiệu của Việt Nam mà.

Cũng nhân bài viết này, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn những cô chú tay chai sạn vì đầy gai cá, da rám, sậm màu vì vương nắng ban trưa đã không bỏ nghề mà xem nó làm kế xin nhai, làm vốn liếng để truyền lại cho thế hệ sau một làng nghề đặc sản đầy nét đẹp văn hóa miền Tây.
Nguồn ảnh: Sưu tầm Google.
Content by Hâmm – biên tập và © bởi Hương Sắc Miền Tây.
Mời bạn theo dõi Fanpage: Hương Sắc Miền Tây
XEM THÊM:
- Chuyên mục: Văn hóa Miền Tây
- Chuyên mục: Ẩm thực Miền Tây
- Chuyên mục: Du lịch Miền Tây
Phan Thùy Linh
Cảm phục sự kỳ công, yêu nghề của người dân nơi đây.