Bài viết nổi bật

Sông quê trong ký ức của lũ trẻ miền Tây

Sông là chỗ con nít chống cằm ngồi chờ, đón những món bánh ngon theo xuồng ghe của mẹ đi chợ về. Nói đến sông, là nghĩ ngay đến điểm hẹn của lũ con nít túm năm tụm bảy” ôm bè bơi lội, ôm bẹ chuối tập bơi, đứa nào chưa biết bơi thì cho chuồn chuồn cắn rốn… là nơi rộn rã tiếng cười vui của những buổi chiều tắm mát. Sông bao giờ cũng dịu hiền, êm ái, cần mẫn và chở che – là bến nước tuổi thơ của những đứa trẻ miền Tây.

Nhớ con sông cây cầu bến nước trước nhà

Đối với người miền Tây con sông quê là hình ảnh thân thương gắn liền suốt những năm tháng tuổi thơ, ngập tràn trong ký ức khi nhắc đến. Ghé về miền Tây ta sẽ bắt gặp hình ảnh cây cầu bến nước trước sông nhà. Cái bến nước nhỏ thân thương phục vụ cho mọi sinh hoạt giặt giũ, rửa chén,  là nơi tụ họp nhau tắm sông của lũ trẻ trong làng.

Con sông bến nước trước nhà khi nào cũng có sẵn chiếc xuồng ba lá đậu đó, để sẵn sàng cho những đứa trẻ rủ nhau bơi xuồng hái bông súng, điên điển cà na.

Bến sông quê miền Tây trước nhà luôn có chiếc xuồng ba lá đậu sẵn. (Ảnh: Phan Thùy Linh)

Hình ảnh những con sông quê miền Tây đã ghi đậm trong tình cảm của người đồng bằng dù đi đến chân mây, chóp mũi vẫn nhớ về quê hương. Tôi đã từng được bơi trong ký ức dịu dàng đó. Gió lướt nhẹ trên rừng dừa nước, nắng chiếu qua kẽ lá dệt gấm mặt nước sông.

Tiếng bìm bịp dội rền rền con nước lớn. Trên đồng xa, chiều về ráng mây óng tím một góc trời. Nhìn về rừng tràm, rặng dừa nước ven sông, tôi như mơ trong bao suy tưởng và nhận ra chính nó, những dòng sông chảy lững lờ soi bóng những rừng tràm, rặng dừa, đã làm nên bản sắc rất riêng cho đồng bằng Nam Bộ.

Con sông quê trở thành bản sắc riêng của vùng đồng bằng Nam Bộ (Ảnh: Bình Minh)

Sông quê, nhà lá – những ký ức sống mãi trong lòng người miền Tây

Hình ảnh mái nhà lá đơn sơ che nắng, che mưa là hình ảnh thân thuộc trong ký ức của bao người miền Tây thời thơ ấu. 

Có bà cụ ở quê năm nay mới ngoài 75 tuổi, nhà có một rặng dừa nước ven sông đã rất lâu đời của ông cha để lại. Ðầu năm, người con trai từ thành phố về dỡ bỏ căn nhà lá cũ, cất cho bà căn nhà tường khang trang lợp tôn lạnh đàng hoàng.

Chàng trai nói với má: “Ðám lá bây giờ không còn để làm gì, đốn luôn đi “giải phóng mặt sông” cho mọi người nhìn thấy ngôi nhà mới…”. Bà không nói, không rằng, sai luôn thằng Út cất một căn nhà lá nhỏ trên sông, rồi thường xuyên ra đó ở. Ai hỏi thì bà bảo: “Quen rồi, ở nhà lá bên nước sông cho nó mát”.

Tôi hiểu vì những bậc tiền bối quanh ta lúc nào cũng vấn vương hoài niệm về một thời tuy đã cũ, nhưng còn lưu lại trong đó bao ký ức sâu sắc. Vì chính ông – cha tôi cũng kể cho tôi nghe mãi về những hoài niệm đẹp đẽ kia.

Hoài niệm nhà lá sông quê. Ảnh: Sưu tầm
Mỗi lần về quê, chiều chiều ra ngồi trên bến sông, nhìn qua rặng lá dừa nước, tàng lá của cây cà na trước bến, tôi lại bỗng thấy thấp thoáng cuộc đời lam lũ của “ông bà, tía má”, thấy tuổi thơ nhọc nhằn của mình và nhận ra cái ý nghĩa lớn lao của những danh từ ta thường vẫn gọi là nơi “chôn nhau cắt rốn”…
Vậy rồi con sông quê trở thành ký ức sống mãi trong lòng mỗi người miền Tây chẳng riêng gì lũ trẻ.

Phan Thùy Linh 

Mời bạn theo dõi Fanpage: Hương Sắc Miền Tây

XEM THÊM: