Nhổ bàng là một nghề đặc biệt trong mùa nước nổi của người dân Nam Bộ xưa. Nghề lội bưng nhổ bàng ấy cung cấp nguyên liệu quanh năm cho bà con làm nghề đương bàng, mang lại áo cơm cho nhiều người thuộc lớp nông dân nghèo khổ trước đây ở vùng nông thôn Đồng Tháp Mười. Và thế hệ cha – ông tôi cũng gắn liền với nghề nhổ bàng – đương đệm.

Những chuyến nhổ bàng trong đồng hoang
Nhờ tính tiện dụng, đa năng, giúp làm nên nhiều sản phẩm có ích trong cuộc sống hàng ngày của người dân mà nghề cỏ bàng ngày càng phát triển. Muốn có bàng để làm ra nhiều tấm đệm, cái nóp, cái giỏ, cái nón… người nông dân càng ngày càng phải đi xa hơn, đến những cánh đồng hoang vu hơn để nhổ được nhiều bàng. Khiến nhổ bàng dần dà cũng trở thành một cái nghề.
Những đồng cỏ bàng tự nhiên xưa kia thường mọc ở những nơi chưa được khai hoang, nên thường xa xóm làng, xa nhà cửa của người dân. Do đó, mỗi chuyến nhổ bàng thường kéo dài nhiều ngày, phải chịu gian truân vất vả từ mưa nắng, muỗi mòng, rắn rít…
Người ta nói rằng: “Chỉ có người không ruộng đất, và không có việc gì để làm mới gắn mình vào cái nghề không vốn liếng cực nhọc này”…

Nói là không vốn liếng nhưng tối thiểu phải có một chiếc xuồng ba lá, với cái cà ràng và cái nóp bàng. Mỗi lần đi nhổ bàng, người dân trong xóm rủ nhau hợp thành nhóm năm ba người đi cùng, vì có khi phải bơi xuồng cả ngày băng qua bao cánh đồng hoang vắng mới gặp được đồng cỏ bàng.
Hoặc như theo lời kể của ông nội và cha tôi kể lại thì, mỗi chuyến nhổ bàng ông nội bơi xuồng chở theo cha và hai cô tôi đi cùng. Khi ấy cha và các cô tôi mới chừng mười mấy tuổi. Mỗi chuyến đi ngoài đem theo nước uống, thì đem theo thêm cơm trắng và nước mắm, thêm cái cà ràng nhỏ, nhiêu đó là đủ no bụng vì lúc nào cũng sẵn cá đồng để bắt, rau đồng để hái làm bữa cơm nhanh.

Những cánh đồng cỏ bàng hoang ngày xưa thì cao ngất, mọc chìm trong nước, nên khi bơi xuồng đi sâu vào trong là thấy tăm tối, như chốn thâm u, muỗi bay như vẫy trấu. Mỗi khi có gió thổi luồn qua đồng thì cọng bàng va chạm vào nhau lại vang lên âm thanh rì rào kì dị.
Tôi từng nghe Ông nội, Cha, với mấy cô kể lại: “Hồi nhỏ mỗi chuyến đi nhổ bàng, bán bàng bơi xuồng về tối là ám ảnh, vì mấy lần nghe những tiếng hú, tiếng kêu rợn người, mà mọi người bảo là “ma nhát”. Khung cảnh vắng tanh, gió rít xào xạc, chỉ một chiếc xuồng cô độc đi trong đêm, nghĩ thôi đã thấy sợ đến nhường nào…

Nhổ bàng cũng cần kỹ thuật khéo léo
Sau khi tìm được đồng cỏ bàng tốt, người nông dân sẽ cặm xuồng lại, rồi bắt đầu trầm mình trong đồng nước nhổ bàng. Kỹ thuật nhổ được mô tả rằng: Cần đưa hai bàn tay ngược chiều nhau (khác với nhổ mạ), vơ lấy một cụm nhỏ, khoảng vừa nắm tay, nắm thật chặt, rồi giật mạnh một cách thật dứt khoác theo chiều nghiêng 45 độ so với mặt đất. Thế là bàng sẽ bật gốc lên một cách dễ dàng. Nếu khi giật mạnh mà nắm không chặt thì bàng bị dập ra rất bén, sẽ cứa vào tay chảy máu. Nhổ bàng bảy đến mười lần thì dùng bàng vụn bó hai nuột lại thành từng bó, mỗi bó to bằng bắp vế, gọi là “neo bàng”.

Bàng được cột lại thành neo là để dễ đội bàng chất xuống xuồng cho những chuyến trở về, và ở những chợ thu mua bàng cũng được tính bằng neo – chục neo.

Cô Năm tôi kể, hồi theo ông nội đi nhổ bàng là còn nhỏ xíu, bàng thì cao hơn người, nên không đội được như người lớn bình thường mà phải kéo ro ro. Ông nội hỏi vui” Rùa đội nổi không con?” Rồi Cô Năm ngây thơ lém lĩnh trả lời “Rùa đội không nổi, rùa kéo ro ro” . Tôi hay nhớ hoài lời kể này, vì tôi cảm nhận được tinh thần mạnh mẽ, lạc quan, ý chí vượt khó, của thế hệ tiền bối thời còn gian khó.

Ngủ lại trên đồng cỏ bàng
Những chuyến nhổ bàng thường kéo dài một ngày hoặc hai ba ngày mới đầy xuồng nên phải ít nhiều một – hai đêm ngủ lại. Cảnh ngủ lại khi đi nhổ bàng được nhà văn Sơn Nam mô tả rằng đó là “cảnh ngủ theo lối khắc khổ”.
- Một là “ ngủ mùng gió”: là cứ đứng trến chiếc xuồng, gối đầu vào lái xuồng chợp mắt. Lát sau muỗi bu lại cứ đứng dậy và chống xuồng tới, chống lui, như muỗi tên xẹt lại trên đồng cỏ bàng để ngũ.
- Hai là “ngủ mùng nước”: là nghiêng cho nước tràn vào ngập xuồng, đến mức chỉ để thêm chút nữa là chìm. Rồi ngăm mình trong xuồng nước giá lạnh, đầu gối lên mũi hoặc lái xuồng để ngủ. Ngâm mình trong nước lạnh suốt đêm là sự thách thức gay go, đòi hỏi một sức khỏe phi thường.
Mùa nhổ bàng thường kéo dài đến mùa gió bấc, dù lạnh nhưng người ta vẫn chịu khó, vì mùa này cọng bàng khô hanh, nên đương đệm đẹp, bán được giá cao hơn.

Đi bán bàng
Sau chuyến nhổ bàng vất vả, được mấy chục neo bàng, người nhổ bàng sẽ gom lại chất gọn gàng lên xuồng chở về đi bán. Có khi xuồng nhỏ quá, phải buộc bàng nối đuôi nhau kéo đi lềnh bềnh trên mặt nước.

Bàng được chở đi bán ở các vựa và chợ lớn như chợ Mộc Hóa, Thủ Thừa, Bến Lức… (Long An), Chợ Bưng, Tân Hiệp, Phú Mỹ…(Tiền Giang), Sóc Xoài, Hòn Đất, Phú Mỹ…(Kiên Giang), Xà Tón, Nhà Bàng…(An Giang)
Những chuyến đi bán bàng lắm lúc còn gặp sóng to, gió lớn, xuồng bàng bị chìm, bàng trôi hết. Người dân phải đem theo sẵn mấy cặp dừa khô, phòng khi chìm xuồng thì đeo cặp dừa khô như phao thoát hiểm.

Dấu ấn sâu đậm của nghề nhổ bàng trong ca dao và thơ ca
Nghề nhổ bàng xưa được ví như sự gắn bó bền chặt của đôi trai gái yêu nhau
“ Bông xanh mà lá cũng xanh
Em đi cấy lúa cho anh nhổ bàng…
…
“Đêm đêm trong ánh trăng mờ,
Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng
Nóp này em gửi tặng anh
Xuồng em bơi tận trong kinh tháp mười”
…
“Lòng thương con gái Kiến Vàng
Đầu đội neo bàng, tay xách mo cơm”
…
“Rủ nhau lên đất Bảy Ngàn
Hái rau choại chột, nhổ bàng về đương
Choại chột thì chấm nước tương
Bàng thì đương nóp người thương tôi nằm”
…
“Bàu gõ trên cỏ dưới bưng
Nhổ bàng đương đệm em đừng đi đâu”
…
“Lấy chồng về Bàu Gõ, nước mắt nhỏ hai hàng
Tay bưng mâm cơm để đó, giã tám chín neo bàng mới ăn”

Ngoài ra còn có tiếng giã bàng cùm cụp nhịp nhàng ấy đã vang vọng khắp xóm làng, đi vào thơ ca mamg đậm nét chân quê:
“Cảm ơn cô gái giã bàng
Đêm khuya thức dậy lao xao giã bàng
Chiều hôm nghe tiếng giã bàng
Thương anh vệ quốc hàng hàng quân đi
Gió ơi, gió thổi làm cho,
Cho ai lạnh lẽo những khi chiều tàn
Cùm cum…em gái giã bàng,
Đương nhanh chiếc nóp vội vàng gởi theo…”
…
“Đêm đêm trong ánh trăng mờ,
Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng”
Cùng hình ảnh cái nóp trong thơ ca thời kháng chiến
“Nóp này em gửi tặng anh
Xuồng em bơi tận trong kinh Tháp Mười”
Gởi ba nó ngủ ấm lòng
Để đi giết giặt lập công thật nhiều…”
…
“Vai mang chiếc nóp rách
Tay xách cổ quai chèo
Thương con nhớ vợ
Vận nghèo anh phải đi”

Ngày nay những cánh đồng cỏ bàng hoang đã không còn nhiều, đêm đêm cũng không còn nghe giã bàng lao xao như thơ ca ghi lại:
“Đêm đêm trong ánh trăng mờ
Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng…”
Còn chăng là trong ký ức của các lão nông hay những vần thơ ca từ xưa để lại, như chứng nhân của một thời gian khó. Và may mắn, tôi được nghe kể lại từ cha ông mình về nghề nhổ bàng – nghề gắn liền với những cuộc mưu sinh, từ thuở miệt Tháp Mười toàn cảnh hoang sơ, đồng trống.
Nguồn ảnh: Trần Ngọc Dũng, Bùi Gia Phú, chụp Đồng cỏ bàng Tân Phước, Tiền Giang + Ảnh sưu tầm
Mời bạn theo dõi Fanpage: Hương Sắc Miền Tây
XEM THÊM:
- Chuyên mục: Văn hóa Miền Tây
- Chuyên mục: Ẩm thực Miền Tây
- Chuyên mục: Du lịch Miền Tây