Đặc sản

Mùa cà na yêu con nước nổi

Ở Miền Tây, có một mùa lặng lẽ, ít ai biết nhưng đong đầy kỷ niệm tuổi thơ mùa nước nổi. Đó là mùa cà na…yêu con nước nổi.

Cà na quen mà lạ. Quen vì ai chẳng từng ăn trái cà na. Lạ vì nhiều người, nhất là dân Sài Gòn chưa hề biết mặt mũi cây cà na. Thỉnh thoảng đâu đó nghe nhắc cà na trong lời ca dao mộc mạc:

“Xứ đâu là xứ quê mùa/ Đi thăm cháu ngoại cho vùa cà na”.

Trái cà na miền Tây

Mùa cà na bắt đầu từ khi nào?

Hễ có ai đó ghé về miền Tây và hỏi thăm rằng “ Mùa cà na bắt đầu từ khi nào?”, thì nghe liền câu dân gian quen thuộc đó là” Mùa nước nổi tràn đồng – bông điên điển nở vàng, cây cà na kết trái…”

Người ta bảo rằng: Cà na yêu con nước,nên đợi mùa nước nổi về mới trĩu quả dân đời. Cò người còn bảo rằng cà na thích trẻ con, nên đợi mùa khai giảng mới chin rộ. ‘Bởi cà na là bạn của trẻ con, đùa chơi với đủ trò tinh nghịch. Mùa cà na, lũ trẻ quê sông nước miền Tây lúc nào cũng dằn túi mấy trái cà na.

Bông cà na nở rộ nhắc mùa con nước nổi sắp về

Cà na có mặt khắp các tỉnh miền Tây nhưng nhiều nhất là ở Đồng Tháp. Xã Long Thắng, huyện Lai Vung được xem là thủ phủ cà na. Cà na sum suê sát ven sông, rợp bóng đường quê, mát mắt, ấm ruột.

Cây cà na sum suê bên mé sông quê

Rễ cây cà na thường bám chặt thành chùm nên giữ đất và chắn sóng rất tốt. Bông cà na búp màu xanh nhạt, khi nở màu trắng rất đẹp. Đến mùa nước nổi, cà na trĩu trái căng tròn. Trái cà na hình bầu dục, to bằng đầu ngón tay. Trái non có màu xanh, đến lúc chín ngả màu vàng nhạt, vị chua chát hấp dẫn.

Trái cà na xanh mướt, vị chua chua chan chát hấp dẫn lạ thường

Hái cà na đúng bài phải dùng sào dài, có lưới nhỏ để đựng. Tốt nhất là có người phụ dùng nón hứng vì có trái thích nhảy ra ngoài. Mùa nước nổi phải dùng xuồng bơi (chèo) để hái và vớt. Lũ trẻ quê thường không đủ kiên nhẫn, nên cứ leo lên cây, rung mạnh. Những trái già sẽ rụng như mưa, phải nhanh tay lẹ mắt hớt chụp, cho vào túi, vào bị. Ăn mộc tại chỗ với muối ớt hay đem về nhà chế biến tùy hỉ. Cà na bán ở chợ chừng 20 – 30 ngàn đồng mỗi ký, chủ yếu là tiền công hái, vận chuyển và ngồi bán. Trái trên cây là của trời cho, ai hái cũng được, không tốn tiền.

Người ta thường bơi xuồng đi hái cà na

Chân mộc vị cà na

Cà na chân mộc như dân miền Tây nên chế biến đơn giản nhưng vẫn đậm đà vị quê. Dễ nhất là ăn sống chấm muối ớt. Chịu khó đập dập hay xẻ trái thì ngâm muốt ớt, ngào đường, làm mứt, ngâm nước mắm, làm dưa…

Cà na chấm muối ớt là trọn nhất vị cà na

Người ta nói trái cà na vị lạ quắc lạ quơ không giống bất cứ loại trái cây nào. Chua chua chan chát có khi xen lẫn vị đắng ngắt, hổng quen là hổng ăn được. Mà lỡ ăn được rồi là ghiền, là nhớ hoài hương vị.

Tôi có chị bạn gốc miền Bắc, cũng trót thương vị trái cà na ngay từ lần đầu thử. Còn tui thì khỏi nói rồi, năm nào cũng mong ngóng mùa cà na…

Tuổi thơi những đứa trẻ miền Tây luôn mong ngóng mùa cà na

Ăn cà na ngon nhất là lúc mưa dầm hay trời se lạnh. Phải ăn bằng cả mắt nhìn, mũi ngửi, miệng cắn, tai nghe và cảm nhận đủ hương vị cuộc sống chua, cay, mặn, ngọt, chát, thơm tan đầu lưỡi rồi lan dần khắp cơ thể.

Trước khi chế biến, trái cà na được rửa sạch, để ráo nước. Lấy dao nhỏ, cắt bỏ cuống, rạch dọc vài đường trên thân trái, để khi trộn gia vị ngấm sâu đậm hơn. Cà na trộn với hỗn hợp gồm nước mắm, ớt, đường… rồi cho vào hũ, chỉ sau 2 ngày là ăn được. Cà na ngào đường phải dùng trái ngon nhất, để lửa rêu rêu cho đường không bị cháy khét (cà na ngấm đường từ từ, tạo thành hỗn hợp sền sệt, để được lâu ngày hơn). Ăn cà na không thể thiếu chén muối ớt trộn cho thật cay, càng cay càng ngon và kích thích khẩu vị.

Cà na ngào đường là món ăn vặt gây nghiện

Mùa nước nổi về miệt Đồng Tháp Mười, chợ nào cũng bán cà na, như một loại đặc sản mùa nước nổi. Vào các điểm tham quan, chỗ nào cũng cà na đong đưa mời gọi, từ Tam Nông, Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh), làng du lịch Tân Thuận Đông (TP.Cao Lãnh) đến Phú Mỹ (Thanh Bình) và khắp các huyện, nhất là ở Lai Vung. Giờ đây, trái cà na được người dân miền Tây trồng nhiều hơn, nhưng giá vẫn vậy. Cà na Việt ngon hơn cà na Thái. Món ăn dân dã này được truyền tụng trong ca dao: “Xứ đâu là xứ quê mùa/ Đi thăm cháu ngoại cho vùa cà na”.

 

Quê mùa mà đi đâu cũng thương cũng nhớ là xứ cà na

Đơn giản, dân dã, gần gũi, những trái cà na đến rồi lại đi và để lại hương vị quê hương chân chất, nhất là với những người đã sống và lớn lên bên cạnh những cây cà na quê mùa, như một lời nhắc nhở: “Quê hương mỗi người chỉ một”

Thương lắm trái cà na!

Phan Thùy Linh  (Nắng)