Bài viết nổi bật

Ghé về miền Tây thăm đồng bông súng

Ghé về miền Tây thăm đồng bông súng

Tôi sinh ra và lớn lên chính gốc tại một tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ – một huyện kinh tế mới thuộc tỉnh Tiền Giang. Hôm nay, cuối tuần, sau một tuần làm việc bận rộn, tôi có một chuyến về quê mình. Nhà tôi chỉ cách Sài Gòn hơn 70km nên rất nhanh chóng và dễ dàng để leo lên xe máy và phóng nhanh về nhà mỗi khi thấy mệt mỏi và nhớ cảnh quê. Sáng nay tôi đi cùng một người bạn nữa, anh ấy là người Tây Nguyên nên chẳng biết nhiều về miền Tây, chỉ toàn biết và nghe qua những lời kể của tôi.

Điểm đến của chúng tôi là nhà của một anh nông dân ở một huyện lân cận nhà tôi. Tôi tình cờ đọc được một bài báo viết về anh – về một mô hình canh tác nông nghiệp mới. Điều lôi cuốn tôi muốn ghé đến nhà anh ngay sao một bài báo bởi những gì anh làm nó thật gần và thật giống với niềm đam mê, yêu thích của tôi. Đó là lưu giữ và phát triển những sản vật thiên nhiên ban tặng cho vùng đất miền Tây từ thời còn hoang sơ, đồng trống. Chỉ là những loài rau trái mọc đồng mà làm người ta đi đâu cũng nhớ. Và bông súng là một trong những sản vật ấy của người miền Tây.

Hành trình ghé về miền Tây thăm đồng bông súng

Bông súng là một loại rau đồng miền Tây quen thuộc. Bông súng thường góp mặt trong nhiều món ăn của miền Tây như bông súng mắm kho, canh chua bông súng, bông súng chấm cá kho, gỏi bông súng…Với tôi các món ăn ấy món nào cũng ngon mê mẩn.  Không chỉ có nhiều ở Đồng Tháp mà ở tất cả các tỉnh miền Tây, nơi nào bông súng cũng là một người bạn gắn bó và thân thuộc.

Đồng bông súng tôi ghé thăm, của Người nông dântên Toàn, là một người nông dân hiền lành và chất phác. Anh đã tiên phong và gắn bó với nghề trồng bông súng hơn 10 năm nay. Nghề trồng bông súng đến với gia đình anh như một cái duyên đặc biệt, từ những vụ màu thất bát với ruộng lúa, không đủ mưu sinh anh đã mạnh dạng thử nghiệm mô hình trồng bông súng. Cùng với sự can đảm ấy, không thể thiếu sự cần cù, chịu khó của vợ chồng anh. Nhờ đó loài bông súng đồng cũng không phụ lòng anh. Bông súng đã giúp nhà anh vượt qua giai đoạn khó khăn, có cuộc sống kinh tế ổn định.

Vợ chồng anh Toàn nhổ bông súng trên ruộng bông súng của mình

Trò chuyện với anh tôi nhận rõ trên gương mặt anh niềm hân hoan nhưng cũng bồi hồi, xúc động khi kể lại những khó khăn, gian nan, vất vả mà gia đình anh đã vượt qua. Trước khi đến thăm nhà anh tôi từng nghĩ đơn giản rằng mô hình trồng bông súng của anh là một mô hình sáng tạo nhưng đơn giản và dễ dàng thực hiện bởi bông súng là một loại cây không cần ai trồng và chăm sóc cũng dễ dàng tự mọc lên và sinh sống ở khắp các ao hồ miền Tây.

Anh chị tâm sự: “Cũng nhiều lần tính bỏ rồi vì vất vả và cực khổ quá, ngày nào cũng phải lội xuống ao bông súng, có khi cả ngày trầm mình để hái cho đủ bông súng, tay chân bị nước ăn nhiều lắm. Mình thuê thì không ai làm bởi lội ruộng hái bông súng cực nhọc lắm, làm không quen là không làm được đâu. Nhưng nghĩ lại rồi cũng kệ hết cực nhọc, cứ ráng làm tiếp còn lo cho mấy đứa nhỏ, với lại mỗi ngày ra đồng hái bông súng cũng thành quen, bỏ thì buồn lắm mà nó cũng đã giúp nhà mình vượt nghèo còn gì…”.

“Có khi cả ngày trầm mình để hái cho đủ bông súng, tay chân bị nước ăn nhiều lắm”

Dừng lại ở đó, tôi xin phép cùng anh chị ra tham quan ruộng bông súng, xem anh chị nhổ bông súng một cách chuyên nghiệp và nhanh chóng….

Những cây bông súng dài, được đôi bàn tay khéo léo của anh chị, nhổ lên nguyên vẹn, xếp thành từng lọn trông rất gọn gàng và đẹp mắt.

Thời gian nhổ bông súng thường trưa trưa khoảng 10h  – 11h là thích hợp, bởi lúc này, lội nước sẽ đỡ lạnh. Và sau khi nhổ xong, thời gian cũng vừa vặn để thương lái tới thu rồi tiếp tục vận chuyển đến các chợ đầu mối ở Sài Gòn…

Vì bông súng nhổ vào khá trưa, nên lúc này những bông hoa nở đã khép lại trốn nắng

Chào tạm biệt anh chị ra về, tôi miên man nhiều cảm xúc. Tôi nghĩ nhiều hơn về những người nông dân chân chất, quanh năm gắn bó, lam lũ với ruộng vườn. Có cực nhọc, vất vả đến đâu họ cũng kiên trì gắn bó với nghề nông. Tôi thoáng nghĩ rằng họ có một cách nghĩ giản đơn bình dị, không chút tham vọng xa vời rằng mảnh đất của mình là dùng để làm ra những cây trái, rau màu, sản vật riêng nào đó. Mình cứ như ông bà xưa, cứ kiên trì và chịu khó để làm ra những sản phẩm chủ lực trên vùng quê mình sinh sống, bấy nhiêu là đủ…

Cảnh quê bình yên trên con đường tôi đi hôm nay với bờ đê có đôi hàng cây xanh rì 2 bên đường, có con sông yên ả với đám lục bình trôi cùng những bụi bông súng trắng, bông súng đỏ, có cả những con còng cọc lặn hụp dưới ao bông súng mò ốc mò cá rồi vội bay đi khi nghe tiếng người sắp tới…  Còn có cả cây cà na, gốc trâm bầu sau vườn…. Tôi bồi hồi xao xuyến như được gặp lại một cái gì thân thương, xưa cũ mà đong đầy kỷ niệm bình yên.

Đó là những trải nghiệm, chân thật, nhiều cảm xúc của tôi khi: ghé về miền tây thăm đồng bông súng… mỗi khi đọc lại tôi thấy những cảm xúc từ trải nghiệm nhỏ ấy vẫn vẹn nguyên.

Nét đẹp Miền Tây không có từ những khu du lịch,  hay từ phong cảnh hùng vĩ. Tôi nghĩ rằng, nét đẹp miền Tây được xây dựng bằng những hình ảnh mộc mạc trên cánh đồng quê, từ những người nông dân chất phác, từ những loài rau trái mọc đồng…

Ghé về miền Tây, bạn nhớ đừng quên khám phá những nét đẹp bình dị ấy nhé!

(Bài viết này được viết vào 17/9/2017 sau khi kết thúc chuyến tham quan và trở lại Sài Gòn của tôi. Vì một số trục trặc kỹ thuật, thay đổi giao diện website nên bài viết này được cập nhật lại vào thời điểm này. Tuy đã cũ, nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ đến các bạn tại đây)

Phan Thùy Linh  (Nắng)

Mời bạn theo dõi Fanpage: Hương Sắc Miền Tây

XEM THÊM: