Lam lũ những mùa hoa là tập ký sự sinh động, chân thực ngập tràn màu sắc thiên nhiên của tác giả trẻ Đoàn Đại Trí. Bằng những câu chuyện giản dị và những phận người nhỏ nhoi mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, qua cảm nhận và ngòi bút của Đoàn Đại Trí, vùng đất Đồng Tháp Mười được hiện ra chân thực và sống động. Mỗi trang sách như một lát cắt mỏng manh mà ám ảnh về những phận người . Càng đặc biệt hơn, những nhân vật tưởng như vô danh ấy lại trở nên hào sảng, đẹp đẽ, lấp lánh với vẻ đẹp của sự lương thiện với nhọc nhằn. Rong ruổi cùng Đoàn Đại Trí, là chúng ta có dịp rong ruổi qua những đồng đất còn nhiều bí ẩn của Đồng Tháp Mười và cũng là rong ruổi qua nhiều miền cảm xúc của chính mình…
Tản văn “Lam lũ những mùa hoa” là một trang viết cho ta ngập tràn cảm xúc để đi hết hành trình “Ký sự Đồng Tháp Mười” của tác giả Đoàn Đại Trí.
Những mùa hoa không chỉ tô điểm thêm cho đất trời mà còn là sinh kế
“Lần đầu tiên tôi thấy mình choáng ngợp khi một mình chìm đắm trong mênh mông những cánh đồng hoa nổi trên mặt nước. Hoa mọc bất tận như một tấm thảm trời lộng lẫy và diễm lệ. Càng kỳ lạ hơn nữa, đó là những cánh đồng hoa tự nhiên, không do ai gieo trồng hay chăm sóc. Chúng được sinh sôi và nuôi dưỡng bởi người mẹ thiên nhiên diệu kỳ mang tên mùa nước nổi. Nếu có một kỳ quan nào được gọi tên hay bầu chọn ở vùng đất rộng hàng trăm cây số vuông này, có lẽ đó là những cánh đồng hoa sen, hoa súng , điên điển, so đũa…từng đi vào cả thơ lẫn nhạc. Càng kỳ lạ hơn nữa, hoa mùa nước nổi mọc ken dày, bông này tàn lụi thì bông khác chen lên, như không bao giờ dứt. Nhưng hoa ở đây không chỉ làm đẹp, tô điểm thêm cho đất trời mà còn là sinh kế. Một sinh kế nhọc nhằn với những phận người nhỏ bé, lam lũ đến thân quen với lữ khách xa lạ như tôi.

Những mùa hoa mưu sinh vất vả nhưng đầy đẹp đẽ
Chỉ ít ngày trước, cả vùng đất rộng hàng trăm cây số vuông từ Mộc Hoá, Vĩnh Hưng, Tân Hưng (Long An) cho tới Hồng Ngự, Tân Hồng, Tràm Chim, Đồng Tháp) còn khô nẻ, phèn mặn đặc quánh trên những dòng kênh thì khi mùa nước nổi tràn về, thay vào đó là một màu nước đỏ phù sa. Và cũng thật nhanh, chỉ chừng mươi ngày sau, lấm tấm trên những mặt nước ấy, những lá sen, lá súng tròn xoe như búp tay trẻ thơ bắt đầu nhó nụ, nhó bông. Rồi mươi ngày sau nữa cả một mùa hoa rực rỡ, bạc ngàn khắp miệt biên giới xuất hiện như một phép màu. Màu hồng của sen, màu vàng của điên điển, màu tím, màu trắng của súng biến những cánh đồng nước lạnh lẽo thành những tấm thảm hoa thực thụ đẹp lung linh và trên khung cảnh diễm lệ của thiên nhiên, đất trời mùa nước nổi ấy, những chiếc ghe nhỏ bé của người nông dân chân chất lướt nhẹ, cùng cuộc mưu sinh thoạt nhìn qua cứ tưởng cảnh trong phim. Nếu không tận mắt chứng kiến, ít ai có thể tưởng tượng được rằng, việc mưu sinh vất vả nhưng cũng đầy đẹp đẽ kia lại có thực, kéo dài suốt mấy tháng mùa nước nổi.

Chị Đặng Thị Muội, 34 tuổi, ở xã Thạnh Hưng (huyện Tân Hưng, Long An), một người dân đi lấy hoa súng cười tươi giới thiệu: Hoa súng là đặc sản gần như duy nhất ở vùng này. Không ai trồng nhưng cứ mùa nước về là chúng xuất hiện. Nước nổi bao nhiêu súng cao bấy nhiêu. Rồi chúng đơm nụ, nở bông. Chúng lan ra như thể cả vùng đất này là của riêng chúng. Và cũng quen nhịp điệu của hoa, hàng trăm người dân trong vùng lại bắt đầu đón nhận món quà vô giá của thiên nhiên. Hoa súng rất được ưa chuộng, chủ yếu làm các món ăn. Đọt (phần chìm trong bùn) thì nấu canh chua, kho lạt, còn hoa thì làm rau sống, thức ăn kèm, làm rau lẩu…khiến chúng rất có giá. Vì thế đã hơn một tuần, 2 chị em chị Muội cứ rong ruổi ghe đi khắp những cánh đồng ở Thạnh Hưng rồi sang bên Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi hay len cả vào phía ven Khu bảo tồn Láng Sen để lấy bông súng về bán.

Như tôi biết, với nhiều cánh đồng mùa nước nổi, mực nước có khi lên tới 2-3m, khiến cho công việc lấy bông súng không chỉ vất vả mà còn có phần nguy hiểm. Đó cũng là lý do khi đi lấy bông súng thường phải có hai người. “Bông nhìn trên mặt nước thì thanh khiết, đẹp đẽ nhưng ở phần gốc rất lằng ngoằng. Nhiều bông súng bé như ngón tay nhưng lại có tới cả chục nhánh rễ và dây ăn tràn lan. Vì thế rút được dây súng lên khỏi mặt nước chưa phải đã là bán được ngay, còn phải lặt những dây nhợ, tay súng khác bám vào”, em gái chị Muội nói. Nhìn chiếc ghe nhỏ bé chở hai người phụ nữ xa dần , khuất lấp trong những bông súng màu tím tràn trên mặt nước, bất giác tôi khẻ mỉm cười.
Trích Lam lũ những mùa hoa – tác giả Đoàn Đại Trí
XEM THÊM:
Cây cỏ bàng và nghề từ cây cỏ bàng
Nghề nhổ bàng theo lời kể của những lão nông xưa
Mời bạn theo dõi Fanpage: Hương Sắc Miền Tây