Đặc sản

Nguồn gốc địa danh Vũng Thơm gắn liền đặc sản bánh Pía Sóc Trăng

Làng nghề bánh pía Vũng Thơm có lịch sử lâu đời. Xưa kia, đây là một nghề thủ công được làm nên nhờ sự kiên trì cùng bàn tay khéo léo của người dân địa phương. Nếu trước đây, bánh pía chỉ tiêu thụ tại địa phương và các tỉnh lân cận, thì ngày nay bánh pía Vũng Thơm đã trở thành thương hiệu hàng đầu khi nhắc đến tỉnh Sóc Trăng. Bánh Pía cũng được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Và địa danh Vũng Thơm cũng trở thành địa danh nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng.

Nguồn gốc tên gọi địa danh Vũng Thơm 

Theo truyền thuyết: “Thuở xưa, Vũng Thơm là một doi đất nhô ra bể. Mỗi khi thủy triều xuống, các ghe thuyền qua đó nếu không muốn đi vòng thường phải dừng lại chờ thủy triều lên mới băng qua được. Do thuyền bè tập trung nên nơi đây mang tên gọi là Kôm-pông thom, có nghĩa là bến lớn. Một đêm nọ, có một thuyền buôn đến Vũng Thơm thì gặp lúc thủy triều xuống. Thông thường, phải cắm thuyền lại chờ thủy triều lên mới đi qua được, nhưng người chủ ghe vốn biết nhiều phép thuật, nên bảo mọi người trên ghe đi ngủ cả và dặn rằng nếu có thấy gì lạ cũng không được lên tiếng, để y làm phép cho băng qua doi đất để ra biển sớm. Theo lệnh chủ ghe, mọi người đều buông chèo, vào khoang thuyền ngủ cả. Đến quá khuya, trong khi ghe đang bay lướt qua doi đất thì người đầu bếp, do tối qua mải lo dọn dẹp ở đầu lái, không nghe chủ dặn, bị đánh thức bởi tiếng gà gáy, trở dậy, lấy gàu ra thành ghe múc nước rửa mặt, định chuẩn bị nấu cơm ăn sáng. Nhưng khi thả gàu xuống thì đụng vào đất và vướng vào cây cỏ, người đầu bếp lấy làm lạ, la toáng lên. Tức thì thuyền bỗng mất phép thiêng, đứng khựng lại, rơi xuống vỡ tan…”.

Chiếc ghe rớt xuống và chìm nghỉm, hàng hóa và vật dụng trên ghe trôi tứ tán theo dòng nước. Chiếc cồng vàng 8 núm chìm tại nơi ngày nay mỗi năm tổ chức hội Thac kôn. Một chiếc lu đồng trôi xa hơn về phía Sóc Vồ mà điểm hiện tại là ngay tại “Chùa lu đồng”. Một tượng Phật thì lại rớt trước khi chiếc ghe chìm nên ở trên dấu tích của chiếc ghe xưa chìm. Ở đây, hiện nay bà con trong Sóc đã dựng một sala cùng một ngôi miếu nhỏ là Thiên Hậu để ghi nhớ tích xưa.

Theo các tài liệu ghi chép lại, người Hoa tới định cư ở Sóc Trăng sớm nhất khoảng thế kỷ XVII. Tài liệu có đề cập, những di dân ban đầu có thể nằm trong nhóm phản Thanh phục Minh dưới thời Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch… Quá trình di cư của cộng đồng người Hoa diễn tiến suốt thời gian dài. Kết quả đó tạo nên một vùng đất với sự đa dạng về dân cư, phong hóa… Riêng ở “Vũng Thơm”, theo ký ức của hậu duệ người Hoa, chủ yếu là người Triều Châu, “tổ tiên” của họ tới định cư cách đây hơn 100 năm.

Tương truyền, vùng đất xuất trên cũng nằm ở vị trí vành đai cát lấn xa ra biển; khsack tiếng Khmer có nghĩa là cát! Về tục danh Vũng Thơm, người Tiều gọi là Pùng Thòom, phiên âm từ Kông-pông thom, tiếng Khmer, âm Hán tự viết là Bồng Đàn Thị (蓬潭市).

Từ đó việt hóa thành tên gọi Vũng Thơm cho đến ngày nay.

Vũng Thơm Sóc Trăng

Người Triều Châu ở Vũng Thơm 

Như đã nói trên, nhiều nguồn tài liệu ghi chép chứng minh rằng người Hoa tới định cư ở Sóc Trăng sớm nhất khoảng thế kỷ XVII.  Và ở Miếu Thiên Hậu hiện vẫn lưu giữ chiếc chuông ghi ngày dựng miếu: 蓬譚坡, 光緒乙未年, 端月穀日立 (Bồng Đàm pha – Quang Tự ất mùi niên, đoan nguyệt cốc nhật lập), có nghĩa là: Dốc Bồng Đàm, năm Kỷ Mùi niên hiệu Quang Tự, lập vào ngày lành đầu tháng 5). Chiếc chuông này chở qua từ Trung Quốc. Nó chỉ ra thời điểm lập ngôi miếu Thiên Hậu vào năm 1895, tức cách đây hơn 100 năm, khớp với ý niệm của người Triều Châu về thời điểm định cư.

Miếu Thiên Hậu Vũng Thơm Sóc Trăng

Người Triều Châu ở Vũng Thơm chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại. Họ có trong tay nhiều cửa tiệm kiêm sản xuất, cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm, như mứt kẹo, trái cây… đặc biệt là bánh. Địa danh Vũng Thơm từ lâu đã nổi tiếng nhờ công nghệ sản xuất bánh của người Triều Châu, dân gian quen gọi là bánh pía.

Bánh pía Vũng Thơm

Tương truyền, bánh Pía Sóc Trăng xuất hiện ở vùng đất này từ thế kỷ 17, theo chân những người Hán di cư đến phương Nam, chiếc bánh này khi đó là lương thực bí mật giúp họ thoát khỏi những ngày khó khăn cơ cực. Sau khi đã ổn định, một vài người nảy ra ý định kinh doanh. Dần dần món bánh được chế biến sao cho phù hợp với khẩu vị của người Việt, tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, thơm thảo của vùng đất này và lớn dần thành làng nghề như ngày nay.

Bánh pía ngày nay có rất nhiều hương vị

Hiện tại, Sóc Trăng có gần 50 lò chuyên sản xuất bánh pía. Tuy nhiên, số lò bánh và cửa hàng buôn bán tập trung đông nhất tại thị tứ Vũng Thơm (xã Phú Tâm, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) nơi được xem là khởi thủy của làng nghề bánh Pía.

Phan Thùy Linh  (Nắng)

(Biên tập và tổng hợp từ nhiều nguồn

Hình ảnh: Sưu tầm Google)

Mời bạn theo dõi Fanpage: Hương Sắc Miền Tây

XEM THÊM: