Thứ bánh quen thuộc của lũ trẻ quê, giờ ít thấy.
Bánh lá xưa chỉ cần xay chút bột gạo, để cho bồng lại, rồi lấy cục bột nhão nhão đó nắn vô bề mặt của chiếc lá mít, một lớp mỏng dánh chừng 2mm thôi, xong đem hấp cách thủy.
Dừa khô nhà có sẵn, chỉ cần nạo ra, thắng nước cốt sệt sệt, thêm chút hành lá nêm nếm muối đường cho vừa khẩu vị là thành phẩm món nước cốt dừa ăn bánh lá đậm đà hương vị miền Tây. Những chiếc bánh lá mít hấp xong, có thể gỡ ra bỏ vô dĩa, chan nước cốt dừa trộn đều lên ăn, hoặc như tui thì thích ăn tới đâu gỡ tới đó, hễ ăn bánh lá là ăn liền một hơi hàng chục lá cũng chưa thấy đã.
Chẳng cần nhưn tôm nhưn thịt chi hết, chỉ bằng bột gạo, lá mít, dừa nhà là đủ – để ăn rồi là nhớ hoài trong ký ức. Món bánh thu hút tất cả đám con nít tụ họp ngồi cùng nắn bột, vì quá dễ, vì có thể tự mày mò làm thử, cho nên mỗi lần mần bánh lá, ăn bánh lá là rộn ràng tiếng cười đùa trong chái bếp.
Nhắc tới bánh lá mà không kể bánh lá mơ thì thiếu sót dữ lắm. Bởi cái mùi ngộ nghĩnh ở lá mơ xanh vốn làm người ta sợ khi phải nghe thấy, vậy mà không ai ngờ sau khi hấp chín, hòa quyện với mùi bột, với nước cốt dừa thì tạo nên cái hương vị lạ lùng ngon lành không sao quên được.
Không chỉ để làm bánh lá, bột gạo ở miền Tây làm nên nhiều món đặc sản lắm à. Nào bánh xèo, bánh canh bột xắt, chuối hấp,… Mỗi lần bánh là cả một cuộc hội hè cũng cực khâu chuẩn bị nguyên liệu, nhưng vui.
Nhất là bánh lá chứa chan hương vị quê nhà, trong ký ức ngày thơ.
Hình ảnh: Sưu tầm Google
Mời bạn theo dõi Fanpage: Hương Sắc Miền Tây
XEM THÊM:
- Chuyên mục: Văn hóa Miền Tây
- Chuyên mục: Ẩm thực Miền Tây
- Chuyên mục: Du lịch Miền Tây