Có nhiều người thắc mắc, từ cỏ bàng tươi mất bao nhiêu công đoạn để đan được những tấm manh, đệm, nóp, giỏ xách? Để làm ra một vật phẩm từ những cọng cỏ bàng là một quá trình kỳ công, đòi hỏi sự khéo léo. Bài viết sau đây Hương Sắc Miền Tây xin chia sẻ bạn đọc sự kỳ công của nghề đươn đệm cỏ bàng.
Sơ lược về nghề đươn đệm cỏ bàng
Nghề đươn đệm bàng phân bố rải rác khắp Đồng Tháp Mười , nhưng tập trung nhất có lẽ là khu vực thuộc huyện Tân Phước (Tiền Giang) và phía tây huyện Thủ Thừa (Long An) ngày nay. Bởi lẽ địa hình vùng này vốn ngập nước quanh năm, rất phù hợp cho cây bàng phát triển (Chỉ đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, khi kế hoạch khai thác tiềm năng ĐTM được xúc tiến, thì nhờ kinh rạch được khai thông mà vùng này mới bớt ngập úng, cũng từ đó lượng bàng mọc ở đây cũng ít dần). Hiện nay tại ấp Phú Xuân, xã Phú Mỹ (huyện Tân Phước) còn địa danh mang tên Xóm Đệm. Kế đó là xã Hưng Thạnh (cũng thuộc huyện Tân Phước) còn giữ tên cũ Kiến Vàng với câu ca dao quen thuộc:
Lòng thương con gái Kiến Vàng
Đầu đội neo bàng, tay xách mo cơm.
Nghề đươn đệm ở Đồng Tháp Mười tạo ra rất nhiều loại sản phẩm thiết thân với cuộc sống thường nhật của người dân. Các sản phẩm bao gồm: đệm bàng, bao bàng (cà ròn), bị bàng (giỏ xách), cặp bàng (cặp học sinh), nón bàng, bao nhãn, võng bàng, nóp,… Có thể nói không ngoa rằng, sản phẩm của nghề đươn đệm xuất hiện mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống của người dân miệt Tháp Mười phèn cháy.
Ngó lên trên chợ Thủ Thêm
Thấy em đươn đệm giắt ghim trên đầu.
Tuổi thơ những người con miền Tây hầu hết đều gắn liền hình ảnh chiếc “manh em” (manh đệm nhỏ) xinh xắn; hay những ngọt ngào khi nằm trên chiếc võng bàng ấm áp lời ru của mẹ. Rồi lớn lên, trong lao động sản xuất nông nghiệp, bàng đệm là người bạn đồng hành trung thành và đắc lực của họ trong mọi công việc. Cuối cùng, lúc từ giã cõi đời, manh đệm lại quấn lấy thân thể họ như để âu yếm, chở che.
Đươn đệm là nghề có thu nhập rất thấp nên chủ yếu chỉ giải quyết nhu cầu công ăn việc làm cho người dân những lúc nông nhàn. Mỗi khi việc đồng áng đã tạm yên ổn thì họ bắt đầu rủ nhau đi nhổ bàng về để chuẩn bị đươn đệm. Do đó, có thể nói đươn đệm là cái nghề thứ hai sau nghề làm ruộng của người dân. Cái thâm niên trong nghề độc đáo này vẫn không giúp họ đổi đời mà nó như cái nghiệp để họ cặm cụi làm thêm trong những lúc nông nhàn.
Ngày nay lớp người trẻ tuổi có công ăn việc làm ổn định ở công ty, xí nghiệp. Nghề đươn đệm bàng được duy trì ít ỏi bởi các bà, các mẹ có tuổi. Nhiều bà lão tóc bạc trắng vẫn ngồi đươn đệm một cách nhịp nhàng, thoăn thoắt khiến ai mới thấy cũng đầy ngưỡng mộ. Bởi mới nói, nghề đươn đệm cỏ bàng là một quá trình đòi hỏi sự kỳ công và khéo léo.
Công đoạn đươn đệm, manh, nón, giỏ cỏ bảng
Cỏ bàng nhổ về, phải trải qua mấy công đoạn nhọc nhằn nữa mới đươn đệm, nóp, nón, giỏ. Những công đoạn ấy là tót, giã (ép) và phơi – sau cùng mới bắt đầu đươn thành sản phẩm mong muốn.
1. Tót bàng
Tót bàng: là công đoạn để phân loại bàng theo chiều cao, để làm ra vật phẩm có kích thước như ý tương đương chiều dài cây bàng. Tót bàng bằng cách dựng cái cọc đứng cao bằng đầu người lớn, rồi đem bàng nhổ về dựng vào cọc thành bó lớn, vòng tròn quanh cọc, dùng dây cột giữ lại. Tiếp đến dùng tay rút bàng phân loại từ cao tới thấp, cột lại thành từng bó gọi là “neo bàng” với chiều dài khác nhau đã được phân loại đồng đều nhờ công đoạn tót bàng. Công đoạn tót bàng này còn giúp người mua bàng có thể chọn được neo bàng kích thước theo đúng nhu cầu, mà cũng giúp cho người bán phân loại, định giá những neo bàng theo kích thước.
2. Phơi bàng
Phơi bàng: Bàng nhổ về, tót xong phải đem phơi ngay để giữ được màu đẹp tươi, chứ để lâu là ngả màu sậm ngay, vừa xấu không dùng được, vừa không giữ được lâu. Phơi bàng có 2 cách là trải thành hình rẻ quạt xuống sân đất rộng hoặc làm giàn như sào phơi đồ, rồi mắc neo bàng trên đó phơi. Khi bàng phơi được 1 nắng (khoảng 4 – 5 tiếng đồng hồ), người ta sẽ cầm lấy cả neo bàng đập cái gốc vào gốc cây lớn nào đó cho mấy phao bàng dưới gốc bong ra.
3. Giã bàng
Giã bàng: Sau tót, sau phơi bàng còn phải trải qua công đoạn giã. Ngày xưa người ta giã bàng bằng: mục bàng và chày. Mục bàng là tấm gỗ dày khoảng trên 10cm, rộng khoảng 30-40cm, dài khoảng 2m, nặng 5-7kg. Chày thì có hình dáng như chiếc chày đâm tiêu nhưng to và cao ngang đầu người. Mục bàng lẫn chày giã bàng đều làm bằng gỗ sao. Khi giã bàng, người ta đặt neo bàng lên mục bàng, rồi đứng lên nó, hai tay nắm chặt chày nện đều xuống. Vì giã bàng là công đoạn nặng nhọc, tốn sức nhất, nên người ta thường thực hiện vào ban đêm hay giữa khuya. Tiếng giã bàng cùm cụp nhịp nhàng ấy đãvang vọng khắp xóm làng, đi vào thơ ca mamg đậm nét chân quê:
“Cảm ơn cô gái giã bàng
Đêm khuya thức dậy lao xao giã bàng
Tuy nhiên Ngày nay đã không còn nghe được tiếng giã bàng, vì người ta đã thay công đoạn này bằng máy ép bàng.
4. Công đoạn đươn đệm
Sau khi bàng đã được giã (hoặc ép) hai lần thì có thể tiến hành đươn. Tùy theo từng loại sản phẩm mà có cách đươn khác nhau. Nhưng nhìn chung vẫn theo nguyên tắc là sự đan xen giữa các cọng bàng.Giai đoạn đầu của công đoạn đươn (khi ghép các cọng bàng ban đầu lại với nhau) gọi là gầy (hay gây). Manh đệm khi được gầy xong (còn đang dang dở) gọi là mê. Mê là manh đệm chưa hoàn thành nên cũng biểu tượng cho công việc còn đang dang dở. Thông thường người lớn (có tay nghề, đươn giỏi) gầy rồi bỏ mê cho trẻ con đươn. Hồi còn nhỏ, mẹ cũng thường gầy sẵn cho tôi mấy tấm manh em, tôi chỉ việc ngồi đươn tiếp.
Mỗi khi đươn được một quãng, cần ngừng lại để nhắt. Nhắt là dùng các đầu ngón tay (phần móng) chèn cho các cọng bàng đan xen khít khao lại với nhau. Để cho bìa vun đệm khỏi sút sổ, người ta phải bẻ bìa, tức là thắt đầu các cọng bàng lại với nhau (gần giống như kiểu thắt tóc bím). Đối với một số sản phẩm như võng hay giỏ xách, khi đươn xong người ta còn phải đánh dây làm dây võng hoặc quai giỏ. Cách đánh dây này cũng đơn giản như kiểu thắt tóc bím, nhưng được xiết chặt và khá chắc chắn, có thể chịu được lực căng lớn.
Người đươn đệm có khả năng khéo léo tài tình, có thể đương theo kích thước mong muốn, kiểu mẫu mong muốn. Được minh chứng bằng những chiếc giỏ nhỏ xinh hay tấm đệm tấm manh tùy kích thước và cả những chiếc nón cỏ bàng được nhiều du khách yêu thích.
Mời bạn theo dõi Fanpage: Hương Sắc Miền Tây
XEM THÊM:
- Chuyên mục: Văn hóa Miền Tây
- Chuyên mục: Ẩm thực Miền Tây
- Chuyên mục: Du lịch Miền Tây